Bức tranh Nga - phương Tây nhiều mảng tối

Ngọc Mai
Ngọc Mai
31/12/2018 08:00 GMT+7

Không hề lắng dịu như dự đoán được các nhà quan sát đưa ra hồi đầu năm, quan hệ Nga - phương Tây trong năm 2018 liên tục leo thang căng thẳng.

Xử lý mối quan hệ này vẫn luôn là trọng tâm chính sách đối ngoại của cả Nga lẫn phương Tây. Tuy vậy, bức tranh quan hệ giữa hai bên trong năm 2018 đầy mảng tối, trong khi quá trình hợp tác đối thoại mờ nhạt và không mang lại kết quả đáng kể nào. Trước khi bước qua năm mới, Liên minh Châu Âu (EU) kịp ký thêm quyết định gia hạn trừng phạt Nga tới tháng 7.2019, còn Moscow cũng quyết không “buông tay” trước.
Tháng 3.2018, tin tức về cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc ở Anh nhanh chóng trở thành ngòi nổ cho bất đồng giữa London và Moscow. Mỹ cùng các nước châu Âu đồng lòng cáo buộc Nga đứng sau vụ việc, bất chấp sự phủ nhận quyết liệt từ Moscow. Căng thẳng bị đẩy lên cao trào khi các nước châu Âu lần lượt trục xuất nhà ngoại giao của Nga và chính quyền Tổng thống Vladimir Putin ngay lập tức “ăn miếng trả miếng”. Các biện pháp trừng phạt đã được đưa ra làm mối quan hệ vốn không êm đẹp lại càng thêm bế tắc.
Tháng 10.2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ý định rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) khiến quan hệ Nga - phương Tây lại rơi vào vòng xoáy mới. Giới chức các nước đã cảnh báo về nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới được khơi mào và châu Âu có thể trở lại thế đối đầu hạt nhân sau nhiều thập niên. Mặc dù không hề muốn một hiệp ước an ninh quan trọng như INF đổ vỡ, nhưng các nước châu Âu vẫn cùng Mỹ cáo buộc Nga vi phạm và đòi Nga hành động. Theo các chuyên gia, nếu Mỹ chính thức rút khỏi INF và Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) không được gia hạn sau năm 2021, mối lo an ninh thực sự sẽ đặt ra với các nước châu Âu.
Tháng 11.2018, sóng gió lại nổi lên sau khi lực lượng Nga nổ súng bắt ba tàu hải quân và thủy thủ đoàn của Ukraine đi qua eo biển Kerch thuộc Crimea, vốn nối liền biển Azov với biển Đen. Cuộc khủng hoảng mới không chỉ khiến Ukraine tuyên bố thiết quân luật mà còn làm cuộc gặp thượng đỉnh được lên kế hoạch trước giữa ông Putin và ông Trump bên lề Hội nghị G20 chết yểu. EU cũng ra tuyên bố chung lên án Nga.
Bên cạnh những cột mốc lớn trên, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây còn khó hòa giải liên quan đến một loạt vấn đề như Syria, khủng hoảng ở miền đông Ukraine hay cáo buộc can thiệp bầu cử. Có thể nói việc xây dựng lòng tin giữa hai bên vốn đã khó lại càng trở nên bế tắc trong năm 2018. Theo giới phân tích, cả Nga và các nước châu Âu đều không mong muốn đối đầu. Châu Âu rõ ràng ý thức được việc trừng phạt Nga chẳng những không khuất phục được Nga mà còn khiến mình bị tổn hại ít nhiều, nhưng “bản ngã” đồng minh không cho phép họ dễ dàng bắt tay với Moscow. Bước sang năm 2019, quan hệ Nga - phương Tây nhiều khả năng sẽ chưa tươi sáng, nhưng một trạng thái bình ổn vẫn có thể hy vọng. Trong cuộc họp báo cuối năm, chính Tổng thống Putin để ngỏ khả năng cải thiện quan hệ với phương Tây. Hôm qua, ông cũng gửi thư chúc mừng năm mới tới nhiều nhà lãnh đạo phương Tây bao gồm Tổng thống Trump, Thủ tướng Anh Theresa May. Trong thư gửi ông Trump, chủ nhân Điện Kremlin nói sẵn sàng đối thoại nhiều vấn đề với Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.