Họa sĩ Đào Hải Phong vẫn nhớ bức tranh đầu tiên của mình đã được bán cho khách nước ngoài hồi năm 1991 như thế nào. Đó là thời điểm ông vẫn còn làm họa sĩ ở Hãng Phim truyện Việt Nam và đang theo đoàn làm phim Đông Dương của Pháp.
“Tôi có một bức tranh được đăng trên báo Văn nghệ quân đội nên đưa báo khoe với một họa sĩ người Pháp. Anh ấy xem rồi đòi đến thăm xưởng vẽ. Khi tới nơi, anh đã chọn mua một tác phẩm của tôi”, Đào Hải Phong kể. Số tiền bán tranh khi đó là 100 USD.
|
Tranh trong phòng khách gia đình Clinton
Năm 1991 cũng là thời điểm mà theo họa sĩ Lê Thiết Cương, tư tưởng đổi mới đã bắt đầu lan vào thị trường mỹ thuật. Tuy nhiên, sau lần bán tranh đó, họa sĩ Đào Hải Phong vẫn tiếp tục công việc của mình ở Hãng Phim truyện Việt Nam chứ chưa chuyển hẳn sang vẽ tranh. Tới năm 1993, ông Phong mở triển lãm cá nhân đầu tiên.
“Tôi vẫn tiếp tục làm phim trong 10 năm. Rồi thị trường phim và cả tranh chuyển đổi. Hãng bắt đầu có ít phim đi và trong hãng cũng có chuyện nếu ai có việc ở ngoài tốt hơn thì nhường phim cho anh em còn lại làm. Không phải tôi từ chối điện ảnh nhưng lúc đó như vậy, và tôi có động cơ để đắm đuối hơn vào việc mình thích. Lúc đó tôi mới U.30”, ông Phong nhớ lại.
Sau triển lãm cá nhân, ông Phong bắt đầu bắt nhịp với việc chạm vào thị trường. Ông bán tranh ở Apricot chứ không chọn bán qua các gallery nhà nước. Năm 1999, ông có triển lãm cá nhân ở Apricot lần nữa. Lúc này, tranh cũng đã bán ổn định hơn trước rất nhiều.
Danh tiếng từ việc bán tranh trong nước mở cho ông cơ hội tiếp theo. Người kinh doanh tranh ở Hồng Kông sau khi xem tranh của ông tại Việt Nam đã mời ông sang triển lãm tại gallery của họ. “Lúc đó, mời mình thì mình đi chứ cũng không thể muốn là đi được. Triển lãm đầu tiên của tôi ở nước ngoài là Hồng Kông. Sau đó, có một giai đoạn, hầu như năm nào tôi cũng có triển lãm tại Hồng Kông và Singapore”, ông Phong cho biết.
Tranh ông Phong bán chạy ở Hồng Kông đến mức ngay lập tức có xưởng nhái tranh tại đây. Ông Phong sang đó, đi vòng qua các gallery, cũng gặp tranh nhái của mình. Trong nước, tranh Đào Hải Phong cũng vào tầm ngắm của đạo nhái. Những năm 2000, tranh chép nhái Đào Hải Phong trải dọc những hàng tranh chợ phố Nguyễn Thái Học. Tất nhiên, điều này chỉ khẳng định tác phẩm gốc của ông được nhiều người yêu thích.
Người sở hữu tranh Đào Hải Phong nổi tiếng nhất có lẽ là... bà Hillary Clinton, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, phu nhân cựu Tổng thống Mỹ. “Bức tranh của tôi được treo trong phòng khách của gia đình bà Hillary Clinton. Bạn tôi đã thấy bức ảnh chụp bà bên cạnh tranh trên một tạp chí kiến trúc”, ông Phong chia sẻ.
Những hàng cây chuyển sắc
Tranh của Đào Hải Phong gây cho người xem thoáng qua một ảo giác về sự lặp lại. Những tán cây đầu tròn như nấm. Những ngôi nhà san sát, cả trên phố, cả trên đồi đều tĩnh lặng với những vạt tường vôi có miếng trắng bợt của thời gian. Màu sắc ấy vốn không phải thật mà từ trong lòng ông vẽ ra. Những mảng xanh - đỏ - vàng nguyên chất làm tác phẩm có một vẻ cương nghị khó tả. Nhưng lá cây trong tranh của ông lại có vẻ linh động của một người trẻ ưa xê dịch. Nó chuyển động thay cho cả góc phố, ngôi nhà, cứ giăng giăng đều đều như một màn mưa chậm nhưng nặng hạt.
Có những mô típ cứ trở đi trở lại trong tranh của ông. Cái cây, bóng đổ, ngôi nhà, ánh đèn… Nhưng từng “nhân vật” đó trong tác phẩm của ông dường như cũng có những tâm trạng, những rạn nứt riêng. Trong số này, từng cây lẻ bóng hay xếp hàng đều có tính cách và phần lớn mang vẻ tư lự. Ở một tác phẩm, cái cây của ông xanh non như mạ chen lẫn vàng lúp xúp nép vào bên hông nhà như cây rơm trù phú. Ở một tác phẩm khác, trên tán cây đỏ cam lại có những đường chuyển màu như vết rạn trên cơ thể, cái cây ấy cũng lớn bổng lên cao hơn hẳn mái nhà nhiều tầng. Nó làm người xem giật mình, liệu đấy có phải là những rời rã mà đôi khi mỗi con người gặp phải hay không…
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, viết: “Thoạt nhìn, các màu sắc trong tranh của Hải Phong được vẽ cô lập, song sắc độ chuyển khá nhiều và tinh tế. Sự chuyển sắc đó được vẽ chồng phủ đều đặn và có âm hưởng sâu xa của màu. Vì vậy, tranh của Đào Hải Phong, thoạt nhìn tưởng đơn giản, ít vấn đề, song khi ngắm kỹ, ta thấy nó hàm chứa cách làm việc có hệ thống, mạch lạc và đời sống tâm lý phức tạp. Ta có thể cảm nhận rằng họa sĩ thường buồn ngơ ngẩn, bất lực và cố gắng che giấu điều gì đó”.
Bình luận (0)