Bức tranh tương phản của hàng không thế giới

Bảo Vinh
Bảo Vinh
19/12/2021 08:44 GMT+7

Trong khi lượng khách di chuyển bằng đường hàng không tại Mỹ vào dịp cuối năm được dự báo tăng mạnh, tình hình có vẻ ảm đạm hơn tại châu Âu và châu Á.

Hàng không Mỹ bùng nổ

Bất chấp những lo ngại về biến thể Omicron, lượng hành khách di chuyển dịp Giáng sinh và năm mới tại Mỹ được dự báo sẽ bùng nổ, theo tờ The Washington Post.

Các cuộc khảo sát của Axios/Ipsos sau khi biến thể Omicron xuất hiện cho thấy người Mỹ ngày càng lo ngại về việc di chuyển bằng đường hàng không, nhưng đa số nói không có ý định thay đổi kế hoạch đi lại dịp cuối năm. Mới nhất, Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA) dự báo hơn 109 triệu người Mỹ sẽ đi lại từ ngày 23.12.2021 - 2.1.2022, bằng 92% cùng kỳ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020. Trong số này, 6,4 triệu lượt khách sẽ di chuyển bằng đường hàng không, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. “Mọi người đang dần làm quen với các biện pháp phòng ngừa. Họ đã từ bỏ kỳ nghỉ năm ngoái, nên năm nay họ sẽ đi”, Phó chủ tịch cấp cao Paula Twidale của AAA nói.

Hành khách tại sân bay quốc tế Seattle-Tacoma ở Washington (Mỹ) cuối tháng 11.2021

Giám đốc Cơ quan An ninh giao thông vận tải Mỹ (TSA) David Pekoske dự đoán lượng hành khách tại các sân bay vào đợt cao điểm Giáng sinh có thể tiệm cận mốc trước đại dịch, tương tự như kỷ lục trong đại dịch dịp đợt lễ Tạ ơn hồi cuối tháng 11. CNN dẫn thông báo của Hãng hàng không United Airlines cho biết sẽ tăng thêm 200 chuyến bay mỗi ngày để phục vụ lượng khách gia tăng.

Mùa đông ảm đạm tại châu Âu, châu Á

Trong khi đó, mối lo ngại về biến thể Omicron đã khiến chính phủ các nước châu Âu, châu Á ban hành một loạt biện pháp siết chặt. Hãng hàng không lớn nhất tại châu Âu Ryanair ban đầu kỳ vọng sẽ chở khoảng 11 triệu lượt khách trong tháng 12, nhưng mục tiêu này gần đây đã bị giảm xuống còn 10 triệu. Năng suất dự kiến trong tháng 1.2022 cũng bị hãng cắt giảm 10%, theo AP.

Tại châu Á, Đài Al-Jazeera dẫn lời Giám đốc Gary Bowerman của Hãng nghiên cứu du lịch Check-in Asia (trụ sở tại Malaysia) nói rằng sự hoang mang quay trở lại đúng vào thời điểm đi lại bận rộn nhất là dịp Giáng sinh và năm mới âm lịch.

Cảnh trống vắng trong sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc) cuối tháng 11.2021

Reuters

Tính đến tháng 9, lượng khách đến tại hầu hết các nước châu Á giảm 99% so với mốc trước đại dịch, trong khi Mexico giảm chỉ 20% và Nam Âu khoảng 65%.

Trong báo cáo mới nhất, S&P Global Platts đánh giá số chuyến bay đến và đi tại sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc), trung tâm hàng không quốc tế đông đúc nhất của châu Á trong năm 2020, có thể giảm xuống dưới 10.000 chuyến trong tháng 12.2021 và tháng 1.2022 vì quy định hạn chế đi lại và cách ly mới. Trước đó, số chuyến bay trong tháng 10 tại đây là 11.635 và trong tháng 11 là 11.700 chuyến.

Cảnh sát Đức chặn âm mưu giết thủ hiến bang của nhóm chống vắc xin

Tại Trung Quốc, mảng nội địa đã tăng trưởng bùng nổ hồi đầu năm, nhưng gần đây bắt đầu sa sút do các đợt bùng phát dịch mới. Reuters dẫn số liệu của HSBC cho thấy năng suất vận tải nội địa của 3 hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc gồm Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines vào tháng 4 đã đạt 115% so với mức trước Covid-19. Tuy nhiên đến tháng 8, con số giảm xuống còn 77%. Cả 3 công ty lỗ tổng cộng 8 tỉ nhân dân tệ (khoảng 28.789 tỉ đồng) trong quý 3/2021. Hồi đầu tháng, các hãng hàng không Trung Quốc cắt giảm 9,4% số chuyến bay nội địa dự kiến trong tháng 12 vì lo ngại biến thể Omicron.

Omicron làm thay đổi dự báo về đại dịch

Reuters dẫn lời nhà vi rút học Angela Rasmussen tại Tổ chức Bệnh truyền nhiễm và vắc xin thuộc Đại học Saskatchewan (Canada) nhận định nếu không có những biện pháp khẩn cấp, 2022 sẽ diễn ra tương tự như năm 2021. Ngay cả khi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, các biến thể mới cũng sẽ gây ra những đợt bùng phát và số ca nhiễm tăng lên theo mùa trong vài năm tới.

Trưởng khoa học gia Mikael Dolsten của Hãng dược Pfizer (Mỹ) cũng mới đánh giá rằng đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục kéo dài tại một số khu vực trong 1 hoặc 2 năm tới. Trong thời gian đó, các nước còn lại sẽ chuyển tiếp sang giai đoạn bệnh đặc hữu với số ca thấp và nằm trong tầm kiểm soát. Đến năm 2024, Covid-19 sẽ là bệnh đặc hữu trên toàn cầu, ông Dolsten dự báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.