Phẫn nộ vì giẫm phân chó ở công viên
Facebook Trần Nam Anh như “kích hoạt” nỗi bức xúc của nhiều người khi đăng 3 bức ảnh lên nhóm Quản lý đô thị Đà Nẵng (kênh nhận thông tin chính thống của chính quyền Đà Nẵng) ghi lại cảnh 2 cô gái thả chó ra nơi công cộng để phóng uế nhưng không chịu dọn. “Xin ảnh hai bé dễ thương xinh xắn đang tung tăng cùng chú cún dễ thương như hai em, lần sau nó ị nhớ hốt nha, chớ anh thấy bốn năm người đạp rồi. Đà Nẵng đẹp lắm, đừng làm bẩn!”, tài khoản này viết.
|
Ngay lập tức, trang Facebook với 135.000 tài khoản theo dõi đã phẫn nộ lên án hành vi xấu xí của 2 cô gái. Bạn Ben Bin cho rằng: “TP giờ có 2 vấn nạn. Thứ 1, karaoke tra tấn người dân. Thứ 2, chó thả rông vệ sinh bậy. Rất mong cơ quan chính quyền có biện pháp xử lý và quản lý những người nuôi chó để TP đúng nghĩa TP xanh sạch đẹp”. Bạn Nhất Vạn Nhất nhấn mạnh: “Phải cấm chó ra phố và ra công viên. Vì ý thức con người, cứ 10 người chỉ có 2 người ý thức tốt. Con mình ra chỗ cầu Trần Thị Lý bị giẫm phân chó 2 lần, giờ nó không dám ra khu đó chơi luôn”.
Cũng nhân vấn đề chó phóng uế, nhiều người đã kể lại những câu chuyện liên quan đến ý thức của người nuôi thú cưng. Bạn Thảo Chi kể: “Gần nhà mình có chị Tây hôm nào cũng dắt chó đi dạo và cho chó phóng uế, chị luôn cầm theo cái bao ni lông để con chó thích ị đâu chị cho nó ị, xong chị luôn lấy bao ni lông hốt lại mang đi vứt. Ai nuôi chó văn minh được vậy thì hẵng nuôi nha”. Bạn Ánh Thu bày tỏ: “Bản thân mình cũng nuôi mèo nhưng đi đâu trong túi luôn có sẵn giấy vệ sinh, túi ni lông, nước rửa tay khô và xịt khử mùi”.
Xử phạt gặp nhiều khó khăn
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, khu vực chụp bức ảnh chó phóng uế là khu vỉa hè đường Bạch Đằng. Theo ghi nhận, nhiều khu vực công cộng ở trung tâm Đà Nẵng như: vỉa hè đường Như Nguyệt, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo hay các khu công viên ở chân cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng... chiều tối có rất đông người dẫn chó đi dạo cùng. Không khó để nhận ra ở những khu vực này có khá nhiều bãi phóng uế của chó để lại. Ông Huỳnh Văn Rân, Đội trưởng quy tắc đô thị Q.Hải Châu, cho hay trách nhiệm xử phạt việc thú nuôi phóng uế nơi công cộng thuộc chức năng của phường. Các phường phải đảm bảo vệ sinh môi trường ở địa phương mình nên phải xử lý vấn đề này. Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đà Nẵng, quy định của TP, việc giám sát thú nuôi thả rông là do các địa phương quản lý. “Thú cưng thả rông phóng uế cũng là một vấn đề khó khăn trong xử lý”, ông Sơn nói.
|
Trao đổi với PV, luật sư (LS) Mai Quốc Việt (Đoàn LS Đà Nẵng) cho hay theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP thì hành vi “không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó...” thì chủ nuôi, người vi phạm bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Đối với việc “để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng” thì chủ nuôi, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng. “Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là từ ý thức của chủ vật nuôi. Thứ hai, để xử lý được hành vi vi phạm thì phải có bằng chứng qua hình ảnh, các clip. Tuy nhiên, do ngại va chạm, nên người dân khi phát hiện hành vi vi phạm cũng không ghi nhận lại để báo cơ quan nhà nước”, LS Việt nói. Theo ông Việt, để xử lý dứt điểm địa phương cần phải tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức người dân. Ngoài ra, người dân cần phối hợp với cơ quan nhà nước để phát hiện, xử lý, cần nâng mức xử phạt để răn đe người vi phạm.
Bình luận (0)