Bức xúc với ca khúc thô tục

25/10/2018 06:18 GMT+7

Nhạc Việt đang rộ hiện tượng viết lời và đặt tựa bài hát thiếu đầu tư, thẩm mỹ, thậm chí dung tục phản cảm của nhiều nhạc sĩ - ca sĩ trẻ.

Lời và tựa bài hát kiểu nói lóng phản cảm
Cần phải nhìn thẳng vào vấn đề quản lý văn hóa, mới có chuyện những tác phẩm như vậy "lọt lưới"
Nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long
Vào giữa tháng 10, ca sĩ Bảo Anh ra mắt MV mới với ca khúc có tựa Như lời đồn, sáng tác của nhạc sĩ Khắc Hưng. Tên bài hát này khiến người trong nghề, dư luận xôn xao bởi khi nói lái cho ra nghĩa tục tĩu.
Một số tựa đề ca khúc khác cũng khiến dư luận chú ý khi chỉ cần nói lái hoặc nói lệch đi sẽ cho ra những nghĩa kém văn hóa như: Như cái lò (sáng tác Khắc Hưng, trình bày Sambi, Mr.A), Thu dẩm (sáng tác và trình bày LK), Nắng cực (Phạm Toàn Thắng sáng tác, Trúc Nhân, Thảo Nhi hát), Xếp hình (Tăng Nhật Tuệ), Oh My Chuối (Sĩ Thanh)...
Nhiều ca khúc còn có nội dung thô tục trong phần lời. Ca khúc Thu dẩm có lời: “Cô ta tên là Thu. Cô ta hơi đơ đờ đờ. Đêm đêm cô ta thường mơ. Quần áo nhăn nhúm mái tóc bơ phờ. Cô ta mắc bệnh dẩm tên Thu. Đêm đêm cô ta thích một mình mút kem. Trong căn phòng màu đèn đỏ nhá nhem. Và dường như cô ta có sở thích như vậy...”. Rõ ràng, nếu không nói lái thì cái tựa Thu dẩm trong tiếng Việt không có nghĩa gì. Còn ca khúc Phiếu bé ngoan 2 do Yanbi và Mr.T thể hiện có ca từ phản cảm, mang tính khiêu dâm như: “Anh ở trên còn em ở dưới. Người em run lên, thật phê bằng hai ngón tay. Uhhh anh đưa thật sâu vào trong, người em mềm ra, hai mắt cứ thế mà nhắm chặt. Em ơi chú ý, phía dưới kìa thằng cu tí, nó đang chờ em. Để anh đâm thật sâu vào. Giữ nguyên tư thế thật lâu vào”. Trong Phiếu bé ngoan 2 còn có “đệm” cả những câu văng tục, chửi bậy. Điều đáng ngạc nhiên là chính hai “nghệ sĩ” này không biết sợ khi ca khúc Phiếu bé ngoan 1 của họ trước đó đã bị thanh tra Bộ VH-TT-DL xử phạt 5 triệu đồng mỗi người vì ca từ phản cảm.
Trên YouTube, MV Như lời đồn của Bảo Anh đã nhận đến 14.000 lượt dislike, Như cái lò nhận gần 73.000 lượt dislike... cùng với hàng ngàn ý kiến “không thích” từ khán giả.
MV 'Như lời đồn' của Bảo Anh gây tranh cãi 
Nhạc sĩ bức xúc
Nhạc sĩ “ca khúc thô tục” nói gì ?
Nhạc sĩ Khắc Hưng, tác giả Như lời đồn thì nói sẽ chọn thái độ im lặng trước vấn đề này. “Hãy tránh khẳng định và nên xây dựng thói quen nhìn vào nhiều mặt của một vấn đề hơn. Tôi nghĩ trên đời này, không có gì tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai”, Khắc Hưng nói. Còn nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng, tác giả của ca khúc Nắng cực cho rằng: “Nếu tựa bài hát Như lời đồn hay Thu cuối mà cũng cho là nhạy cảm thì chúng ta cũng không nên đến Bắc cực nữa”.
Nhiều nhạc sĩ đã lên tiếng phản đối gay gắt hiện tượng này. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bức xúc cho rằng các ca khúc có nội dung phản cảm có thể ảnh hưởng đến một bộ phận khán giả. “Là nghệ sĩ đúng nghĩa, nên định hướng khán giả chứ đừng hùa theo, rồi biện minh rằng “do mọi người nhạy cảm, suy diễn chứ tôi chẳng ý gì”. Với tôi, một bài hát là phải đẹp, đẹp từ giai điệu, đẹp đến ca từ, đẹp đến nội dung ý nghĩa, đẹp đến cả cái tên, đó mới là sự hoàn mỹ. Và người sáng tác phải miêu tả cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, giữ gìn cái đẹp”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận định.
Nhạc sĩ Dương Cầm cho biết nếu có quyền, anh sẽ cấm phổ biến các ca khúc kiểu này vì làm mất đi cái đẹp của âm nhạc, dù là nhạc giải trí: “Sự sáng tạo, phá cách nên trong phạm vi cho phép. Đặt tiêu đề là Như lời đồn, tất cả chúng ta đều hiểu là nhằm mục đích gì, rõ ràng nó không đẹp. Đây cũng không phải là lần đầu tiên đặt tựa như vậy sau Như cái lò của Khắc Hưng. Tôi không bao giờ đồng tình với kiểu đặt tên kích động như vậy”. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng cho biết những ca khúc với tựa đề như Như lời đồn, Nắng cực, Như cái lò... là cách nói lóng của những người thích nói bậy. Anh khẳng định: “Đó là sự thiếu văn hóa, vô văn hóa khủng khiếp”.
Về trào lưu này, nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng: “Đó là một tín hiệu buồn cho đời sống âm nhạc, cần cảnh báo; rộng hơn nữa là cho đời sống, lối nghĩ và cách thể hiện bản thân của một bộ phận giới trẻ có tham gia hoạt động âm nhạc hiện nay. Những giá trị về thẩm mỹ, cái đẹp phù hợp với cộng đồng phải được hình thành trên nền tảng của thời gian, có sự bồi đắp, tích tụ, phải đáp ứng những tiêu chí về chân thiện mỹ nhất định. Cần phải nhìn thẳng vào vấn đề quản lý văn hóa, mới có chuyện những tác phẩm như vậy "lọt lưới". Tôi nghĩ các nhà quản lý cần phải đưa ra các biện pháp nhằm kiểm soát được tốt hơn, cần có những chế tài đủ mạnh để răn đe, ngăn ngừa. Để giải quyết việc này một mình Bộ VH-TT-DL hiện nay không làm nổi, cần có sự phối hợp của nhiều bộ ban ngành khác nữa”.
Theo NSND Nguyễn Quang Vinh, Cục trưởng Cục NT-BD, Bộ VH-TT-DL: “Những sản phẩm văn hóa được phát từ các kênh nào thì cơ quan quản lý kênh đó chịu trách nhiệm trước. Ở đây là các sản phẩm văn hóa giải trí trên mạng, thì Bộ TT-TT là cơ quan kiểm soát, nên có những biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí và thông tin trên mạng, Bộ TT-TT, cho biết: “Những sản phẩm văn hóa giải trí bị phản ứng thời gian qua là thể hiện thái độ tích cực của cộng đồng với sản phẩm không phù hợp chuẩn mực. Việc ngăn chặn, xử lý rác văn hóa là trách nhiệm của nhiều cơ quan. Với chức trách của mình, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét một cách nghiêm túc, nếu sản phẩm văn hóa nào không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa VN, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống, con người VN thì chúng tôi sẽ xử lý”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.