Một quán ăn nằm giữa phố phường Hà Nội, chuyên bán món ăn của Nam Bộ, được cải biến cho phù hợp với thực khách miền Bắc nhưng lại rất hấp dẫn du khách nước ngoài.
Bát bún thế này đã mê hoặc bao nhiêu khách hàng của bún bò Hàng Điếu nức tiếng- Ảnh: Phong Anh
|
Quán bún bò Phương Bách nằm tại số 67 phố Hàng Điếu, ngay gần chợ Hàng Da. Vào các buổi trưa, quán luôn đông nghẹt thực khách, rất nhiều trong số đó là khách ngoại quốc, áo phông quần lửng, cổ lủng lẳng máy ảnh, vai đeo balo to tướng.
Nhìn bề ngoài, quán bún bò… cũng giống như hàng nghìn cửa hàng ăn uống khác ở Hà Nội. Nó không có cái vẻ ngoài “nghệ sĩ”, cầu kì như những cửa hàng chuyên phục vụ khách du lịch. Thế nhưng, rất nhiều ấn phẩm tiếng tây, tiếng tàu khi nói về những địa điểm ăn chơi của Hà Nội đều ghi địa chỉ của quán với những nhận xét nhiều thiện cảm.
Không gian thoáng rộng của cửa hàng làm giảm mùi dầu mỡ, vốn thường thấy ở nhiều quán bún, phở khác ở Hà Nội. Bàn ghế sạch sẽ tinh tươm, ánh sáng chan hòa. Tuy không thể như các nhà hàng sang trọng nhưng thừa đạt chuẩn “bình dân”, đủ để làm hài lòng bất cứ bà nội trợ ưa sạch sẽ nào.
Rất nhiều thực khách tâm đắc với cái vị chua ngọt thanh thanh của nước dùng ở đây và những miếng thịt bò xào thơm lừng, đậm vị mà không bị béo dầu mỡ. Cái ngon của bát bún bò Hàng Điếu, là ngon ở sự hài hòa giữa các hương vị, ngon ở sự chế biến kĩ càng của người nấu.
“Ăn rất vừa miệng, nước dùng chua chua ngọt ngọt dễ ăn, thịt bò cũng mềm và thơm mùi sả. Nắng nóng thế này, ăn món này là ngon lành nhẹ nhàng nhất”, Đăng Thuận, sinh viên Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội nhận xét.
Tuy là một món ăn xuất phát từ Nam bộ, nhưng cái ngon của bún bò Hàng Điếu lại đến từ cách gia giảm gia vị của bà chủ Nguyễn Thị Phương, một người đã sống 60 năm tại Hà Nội. Bà Phương là mẫu hình của những chủ cửa hàng ăn cũ ở Hà Nội, những người chỉn chu từng ly từng tý trong cách chế biến.
“Gọi là bún bò Nam bộ, nhưng mình phải gia giảm theo cách của mình. Người miền Bắc không ăn được kiểu ngọt và cay như người miền Nam. Tôi phải mày mò thử làm lại vị. Tháng đầu tiên khai trương, tôi mất đứt 4 chỉ vàng”, bà chủ cửa hàng bộc bạch.
Là một người phụ nữ tần tảo lại biết làm ăn, ngay từ đầu những năm 80, bà Phương đã tham gia buôn bán. Bà làm đủ nghề từ may yên xe phượng hoàng cho đến bán chè đậu xanh…, ấy vậy mà gia đình vẫn đói. Trong một chuyến vào Sài Gòn công tác, bà được ăn thử bún bò Huế. Thấy ngon, bà mầy mò tự học cách làm. Đấy là năm 1987, một năm sau khi đất nước bắt đầu đổi mới.
Trong bát bún ta thấy vị chua ngọt thanh thanh của nước dùng, có nét gì đó tương đồng với cách pha chế nước dùng bún chả Hà Nội. Ngay cả cách xào thịt bò, cách ướp gia vị cũng không giống với phong cách Nam bộ. Đó chính là kì công tìm tòi của bà chủ. Ngay cả cách ăn bún kèm với giò, nem chua, bánh bao chiên, cũng là do bà nghiên cứu mà đưa vào thực đơn.
“Tôi hỏi khách hàng: các bác ăn thấy ngon thì cho ý kiến, không ngon cũng cho ý kiến để tôi còn biết mà làm. Mấy tháng sau đó, có người nói: Chị ơi, chị mà cứ làm ngon thế này sau này chị mua được nhà đấy”, bà chủ cửa hàng kể, không giấu được vẻ tự hào.
Và bà đã mua nhà thật. Từ 27 m2 con con mặt đường Hàng Điếu, bà mua lấn vào trong, nay đã thành cửa hàng rộng gấp 4 lần căn nhà cũ. Cửa hàng của bà bây giờ thuê tới 19 người giúp việc, lập cả xưởng chế biến hành khô, lạc rang riêng. Bà không tin tưởng các nguyên liệu trôi nổi trên thị trường vì sợ mua phải đồ Trung Quốc.
“Hồi trước một mình tôi xào ba chảo thịt, xào nhiều quá đến mức mắt tôi mờ đi vì mỡ bắn. Bọn trẻ bây giờ làm không được như trước nữa. Nhiều khách vẫn nói nhớ vị thịt bò tôi xào. Tôi già rồi nhưng vẫn phải cố nhắc nhở đám trẻ”, bà Phương vừa nói vừa xoa xoa con mắt bên trái.
Bình luận (0)