Tô bún nước lèo ở Cầu Kè nấu rất ngon lại “thủy chung” với lối nấu “cá lóc đâm” truyền thống của mình, không như ở Sóc Trăng và các nơi khác ở ĐBSCL.
Cá lóc là món chủ lực trong nồi nước lèo. Sau khi luộc, gỡ bỏ xương, thịt cá cho vào cối cùng với sả băm, củ riềng đâm thật nhuyễn trước khi cho vô nồi nước lèo. Ngày trước, nấu bằng cái nồi đất được gọi là cái trã. Trã càng cũ chứa đựng nước càng đậm đà vì đã nấu không biết bao nhiêu lần nước lèo.
Khi khách ngồi yên vị, món bún nước lèo được bày biện khá công phu. Rau ghém gồm bắp chuối xắt nhuyễn, hẹ xắt khúc ngắn chừng một lóng tay và giá sống, trải lớp bún xé lên trước khi chan nước lèo, miếng chanh đặt một bên tô, dọn ra bàn cùng chén muối hột đâm ớt hiểm xanh. Nếu bạn không thích muối ớt và chanh thì chan giấm ớt bằm vào tô trước khi trộn đều để ăn.
Bắp chuối hột và hẹ được trồng trên đất giồng có độ giòn, vị thơm. Giá sống “gầy còm” nhưng đủ chất bổ. Mắm “prồ-hóc” kho nguyên con, vớt bọt, mắm được làm bằng cá biển. Cái tinh túy nhất trong nước lèo là thịt cá lóc đâm cho hương vị độc đáo khác hẳn mùi vị cá lóc rỉa thịt bình thường. Bún được trải trên tấm lá chuối, sợi bún nhỏ, khô ráo được làm từ gạo lúa mùa thơm, ngon.
Tô “bún cá lóc đâm” dọn ra bàn. Tô nhỏ, không thấy miếng thịt cá thực khách không mấy hài lòng. Nhưng sau khi thưởng thức, khách mới giật mình vì nó vừa ngon vừa ngọt.
Bún nước lèo Cầu Kè còn “phụ gia” khác là bánh cống và thịt heo quay để ăn kèm. Nhưng thực khách muốn thưởng thức được cái “mùi” bún nước lèo thuần túy của tô bún cá lóc đâm.
Theo Lao Động
Bình luận (0)