Bún nước lèo Trà Vinh: Ăn để muốn trở về

18/12/2017 12:00 GMT+7

Tôi có những người bạn Trà Vinh, họ kể về bún nước lèo như một món ăn quyến rũ đến mức, ăn một tô là quên hết mọi nỗi buồn trên đời và chỉ muốn xách ba lô về nơi mà bún nước lèo 'làm mưa làm gió'.

Bún nào mà chả được chan với nước lèo, nhưng món bún của người Khmer được nấu từ mắm bò hóc và nhiều loại cá khác, ăn kèm với đủ loại rau sống và chả giò chiên, thịt heo quay.
Lần đầu tiên tôi tới Trà Vinh là từ 2 năm trước, ghé vào một quán nhỏ trong thành phố, nơi trồng một hàng me dài. Hai người kêu hai tô bún. Vốn đã được nghe nói về món ăn truyền thống của Trà Vinh đã lâu, nay thoạt nhìn, tôi có đôi chút chưng hửng. Tô bún bày trước mặt không hoa hòe hoa sói, bún trắng chan nước lèo, phủ ít rau xanh, bên cạnh là vài chiếc chả giò và ít thịt heo quay gói trong lá chuối. Thế thôi.
Bạn giục tôi ăn đi cho nóng, tôi cầm muỗng, cầm đũa, và rồi cứ gắp liên hồi. Chao ôi, có những thứ quyến rũ và đáng yêu vô cùng, không hề nhờ vẻ bề ngoài. Tô bún mộc mạc, bình dân như thế mà ngon không tưởng. Cả một tô, ăn no căng, vừa thịt heo quay, vừa chả giò, có 12.000 đồng. Một cái giá khiến người từ Sài Gòn về ăn lần đầu phải ngơ ngơ ngẩn ngẩn.
Thế nhưng, đó không phải là quán bún nước lèo ngon nhất ở thành phố miền Tây này. Tôi mới được một “thổ địa” người Trà Vinh dắt tới cái quán không tên, nằm trên đường Đồng Khởi, đối diện trung tâm tiệc cưới Hương Lực. Quán mở từ 1 giờ chiều rồi bán tới tối, tới khi hết hàng. Ông chủ quán tên Dũng (đấy là tôi được “thổ địa” mách), nhất định không chỉ cho tôi tên mà mọi người vốn thường gọi quán của mình.
“Anh không cần quảng cáo mà. Nói thật mà. Cứ để thế thôi em ạ”, ông chủ Dũng gãi gãi đầu khi tôi muốn hỏi anh thêm vài điều của quán ăn đông nghịt người từ lúc mở cửa đến khi dọn bàn ghế.
Quán không tên, nhỏ lúp xúp nhưng lúc nào cũng đông nghịt khách Thúy Hằng
Chủ quán luôn tay làm bún cho khách Thúy Hằng
Người dân trên đường Đồng Khởi nói với tôi, người ta quen gọi quán của anh Dũng là bún nước lèo Hương Lực, lấy “ké” tên của nhà hàng đối diện. Quán đã mở hơn 10 năm nay, nho nhỏ, lúp xúp, mặt bằng do anh Dũng đi thuê của bà con trong vùng chứ không phải nhà riêng, thế mà lúc nào cũng đông khách.
Bún nước lèo nhà anh Dũng nước dùng đậm đà, mắm bò hóc được nấu cùng cá kèo, cá sặt, cá lóc, thêm nấm rơm, có thể thêm cả xương heo, thành hỗn hợp đậm đà, thơm ngào ngạt. Rau ghém ăn kèm có bắp chuối, rau muống chẻ, rau thơm các loại và bông súng cắt nhỏ. Thịt heo quay được gói trong lá chuối, rồi bọc một lớp giấy bên ngoài, ai ăn bóc ra và tính thêm tiền.
Cái đặc biệt nhất ở đây có lẽ là chả giò, giòn khầu khậu, vị ngọt, bùi, bởi có nhân là đủ các loại khoai bào sợi, gói trong bánh tráng. Bún nước lèo vị mặn, đậm đà, ăn kèm với thịt heo quay béo ngậy, lại được điểm tô với chả giò giòn tan, ngọt thơm, đủ các gia vị hòa quyện trong tô bún chưa đầy 20.000 đồng. Sao lại có món ăn vừa rẻ, vừa thơm ngon như thế!
Chả giò giòn và thơm, bún nóng hổi, ăn một tô, người ở xa Trà Vinh muốn trở về quê hương... Thúy Hằng
Tôi từng ăn bún nước lèo Trà Vinh trong một cái quán khá sang trọng trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1. Lại cũng từng ăn bún nước lèo Sóc Trăng trong một quán vỉa hè bên khu Bình Chánh. Thế nhưng, chưa món ăn nào đủ gợi nhớ quê hương, như chính tô bún nước lèo của xứ miền Tây. Bạn tôi bảo, món ăn khi mang lên Sài Gòn, là đã chế biến theo khẩu vị của người Sài Gòn, thế là đã mất đi hơn 50% hương vị truyền thống.
Còn tôi thì nghĩ rằng, cái giá trị của món ăn, ở nơi khai sinh ra món ăn đó, có thể chính là không khí của miền Tây, cái nóng rát mặt của nắng chiều, những rặng dầu cao vun vút và thẳng tắp trong thành phố, gương mặt lam lũ và cái vồn vã, giản dị của những người nấu bếp.
Tôi thường nhớ về Trà Vinh bằng ký ức những hàng cây dầu, bằng trái quách thơm lừng, pha nước uống ngọt thanh, bằng ly dừa sáp sóng sánh trong một buổi tối ngồi ở vỉa hè ngay trung tâm thành phố. Bún nước lèo nằm trọn vẹn trong những chuỗi ký ức đó. Khó mà thay đổi.
Bạn tôi nói rằng, người Trà Vinh xa quê hương nhiều lắm, người lên Sài Gòn, người ra nước ngoài định cư, bún nước lèo là sợi dây để nhắc họ, nhớ về quê hương. Một ngày nào đó, có người ngồi bên tô bún nước lèo mà nước mắt lã chã rơi, có thể vì họ đang “ăn” những kỷ niệm ấu thơ, những ký ức về quê hương mà thời gian đã trôi xa, không thể nào trở lại…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.