Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Quang Việt đã lang thang Hà Nội từ rất sớm chỉ để… tìm một bán bún riêu hoặc bún ốc ngon. Ông Việt biết nhiều quán hàng như thế. Rồi ông dừng lại ở hàng bún riêu 46 Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
“Tôi ưng bát bún riêu ở đây. Nước cua thơm tự nhiên. Dấm bỗng, ớt chưng đều chuẩn. Hành phi tự làm, ăn giòn thơm và yên tâm. Rau thái nhỏ đúng kiểu ngày xưa. Đã thế, ngày Tết mà bát riêu bò đậu vẫn 30.000 đồng. Không lên giá”, ông Việt nói.
Trong khi đó, một nhiếp ảnh gia cũng là người sành ẩm thực, ông Nguyễn Huy Khánh lại chờ tới mùng 3 Tết để được lên ăn bát bún ốc mở hàng ở hàng bún ốc trứ danh của cô Huê, 16 Đặng Dung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Hàng bún ốc này vốn nổi danh vì nước dùng chua thanh và tuyển được dấm bỗng thơm ngon khó tả. Ốc cũng được lựa kỹ, thịt giòn béo ngậy, trông đã thấy ngon mắt. Vì thế, ngay từ ngày bán vỉa hè gần Nhà thờ lớn, gánh bún của cô Huê đã đông nghìn nghịt. Bây giờ chuyển về Đặng Dung, bao nhiêu khách quen cũng theo về cả. Bát bún ông Khánh ăn sáng 3 Tết là bát "siêu" nhiều ốc, giá 50.000 đồng. Không phải giá quá cao để đã cơn thèm ốc.
|
Ở Hà Nội, ngay từ 30 Tết, nhiều người đã rỉ tai nhau chia sẻ những địa chỉ bún ốc bún riêu ngon. Giữa những bữa cỗ Tết với đủ giò nem ninh mọc.
“Khoảng thời gian này trong năm chính là lúc món bún riêu bún ốc "siêu" đắt khách. Đắt vì sau mấy ngày ăn cỗ Tết nhiều thịt, mỡ, bánh chưng có phần ngấy, ai ai cũng thèm vị chua cay trong bát bún riêu - ốc. Vị thanh mát của rau sống cũng làm cân bằng khẩu vị sau mấy ngày ăn thừa chất”, họa sĩ Đặng Hồng Quân - tác giả cuốn sách bán rất chạy Lê la quà vặt, cho biết.
tin liên quan
Món ngon Hà Nội có nguy cơ thất truyền: Bún ốc nguội “Trừ những ai quá mê tín, còn lại đều chọn mắm tôm, có món gia vị này sẽ giúp bát bún nổi hẳn vị lên, ngon hay không đôi khi quyết định ở đây”, ông Quân chia sẻ. Cũng theo ông Quân, hai món bún riêu - ốc thường ngày đã bị bổ sung quá nhiều đạm như thịt bò trần, trứng vịt lộn, chả cá, giò... thì vào ngày Tết, khách lại chuộng cách nấu theo đúng công thức truyền thống để được thanh dịu hơn.
Cửa hàng nộm Long Vĩ Dung ở phố Hồ Hoàn Kiếm cũng tấp nập khách ăn quà. Điều lạ là cỗ Tết lúc nào cũng có món nộm, song không vì thế mà khách ăn nộm ở đây giảm đi.
“Nộm là món có trong mâm cỗ Tết nhưng lại được ưa dùng quanh năm, phần nhiều bởi tính thanh của món này. Món nộm chế biến chua ngọt cũng giống bún riêu, bún ốc kích thích cảm giác thèm ăn. Đĩa nộm cơ bản chỉ có ít thịt gan bò, còn lại rất nhiều rau giúp bổ sung chất xơ, chính điều này giúp nộm trở thành sự lựa chọn đáng tin cậy ở hạng mục “quà chiều”. Nó cho cảm giác ăn xong vừa đã mà lại không béo”, ông Quân nói.
|
Hiện tại có một số hàng bún riêu ngon ở Hà Nội đã bán tưng bừng như bún riêu thập cẩm 36 Lương Ngọc Quyến, bún riêu Đường Thành, bún riêu 25 Trần Xuân Soạn, bún riêu 31 Hàng Bạc… Các hàng đều bán từ 7 giờ sáng tới 15 giờ chiều hoặc nghỉ sớm hơn khi hết hàng. Giá cả cũng không giống nhau, từ 30.000 đến 50.000 đồng/bát.
Bình luận (0)