Loay hoay tìm nguồn thay thế
Cuối tuần qua, chị Đ.K.P, giám đốc một hợp tác xã nông nghiệp chuyên sản xuất bún xuất khẩu đi châu Âu có trụ sở tại Bình Thuận phải gọi điện thoại cầu cứu các nhà cung cấp gạo để tìm nguyên liệu sản xuất. "Tiêu chuẩn gạo để sản xuất bún xuất khẩu châu Âu rất khó, phải đạt các tiêu chí an toàn thực phẩm, không tồn dư thuốc... Trước đây, chúng tôi có nguồn nguyên liệu gạo ổn định nhưng hiện tại giá gạo đang tăng cao, trong nước chưa đến vụ thu hoạch nên tạm thời đang thiếu hụt, tôi tìm khắp nơi mà không có. Một số nơi báo giá cao nhưng khi chúng tôi đồng ý thì họ lại lấy lý do để từ chối", chị Đ.K.P bộc bạch.
Trao đổi với PV Thanh Niên, chị Mười Ngọc, chủ một doanh nghiệp cung cấp gạo tại H.Cái Bè (Tiền Giang) cũng cám cảnh: "Mấy hôm nay giá gạo tăng cao lắm, bình thường chỉ tăng vài trăm đồng nhưng nay tăng 2.000 đồng/kg. Gạo dùng để làm bún, phở thường là gạo 504 cũ, lưu trữ lâu, nhưng hiện làm gì còn gạo cũ nữa? Gạo mới có bao nhiêu là đáp ứng đơn hàng xuất khẩu đến đó. Hơn nữa, các nhà máy cung ứng gạo cho khách hàng quen đã không đủ rồi, nói gì đến nhu cầu của khách hàng mới".
Đại diện Công ty TNHH Gạo Ngon Online (TP.HCM) chuyên cung cấp gạo làm bún, bánh, cho biết: Gạo 504 chuyên sản xuất bánh, bún với đặc điểm hạt gạo dài, trắng ngà, ít tấm. Loại gạo 504 thông dụng có mặt trên thị trường với hai loại phân biệt dựa vào độ cũ - mới. Nếu dùng để làm bánh, bột hoặc bún phải là loại gạo được chà từ lúa trữ 1 năm trở lên. Còn gạo 504 mới xay có đặc tính nở xốp và mềm cơm hơn nên phù hợp với các bữa ăn gia đình, không ứng dụng vào sản xuất.
Theo một số doanh nghiệp, giống lúa 504 được trồng 2 vụ/ năm với sản lượng cao. Gạo lúa 504 có thể xuất khẩu và tiêu dùng nội địa tại các quán cơm, bếp ăn tập thể. Ngoài làm bún tươi, gạo còn thích hợp để làm ra nhiều loại bánh phổ biến như: bánh bèo, bánh cuốn, bánh xèo, bánh khọt… Tuy nhiên, hiện nay, giá gạo 504 đang tăng cao từ 11.000 đồng lên 13.000 đồng/kg nhưng nhiều nơi vẫn không có hàng để bán.
Đứt hàng từ Ấn Độ
Từ năm 2021, gạo nhập khẩu từ Ấn Độ đã đáp ứng một phần nhu cầu nguyên liệu để sản xuất bún, bột bánh tiêu dùng trong nước. Số liệu của Bộ Công thương Ấn Độ cho thấy, trong tháng 5.2023, Việt Nam đã nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục từ Ấn Độ, đạt khoảng 101.000 tấn, tăng 56,64% so với tháng 5 năm 2022, vươn lên đứng thứ 4 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ tính về khối lượng. Tính trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 367.500 tấn gạo Ấn Độ, tăng 31,76% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ.
Những năm gần đây, nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về Việt Nam tăng vọt vì giá rẻ nhờ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% từ Ấn Độ theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA). Theo các doanh nghiệp, gạo nhập từ Ấn Độ chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu. Khi phần lớn diện tích trồng lúa tại ĐBSCL chuyển sang trồng lúa thơm, chất lượng cao thì nguồn cung của phân khúc này lại thiếu hụt, không đủ để đáp ứng tiêu thụ nội địa nên phải nhập khẩu.
Thái Lan và Việt Nam tăng mua gạo từ nông dân
Tuy nhiên, mới đây, Ấn Độ đã chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo để ổn định lạm phát nội địa. Sau đó thêm 2 nước là Nga và UAE cũng ban hành lệnh cấm tương tự. Tình hình cung ứng gạo càng thêm khan hiếm hơn. Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), kế hoạch năm 2023, cả nước sẽ gieo trồng 7,1 triệu ha lúa, sản lượng dự kiến đạt 43,11 triệu tấn, tăng 400.000 tấn so với năm 2022. Qua đánh giá thực tế của Cục Trồng trọt, đến thời điểm này, tình hình sản xuất của Việt Nam vẫn rất tốt.
Anh Nguyễn Đức Nhật Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Cà Mèn (chuyên sản xuất bánh canh tươi) cho biết: "Các sản phẩm của Cà Mèn sử dụng nguyên liệu từ gạo là chính, trước tình hình giá gạo biến động hiện nay, dĩ nhiên sẽ có tác động đến chi phí sản xuất. Tuy nhiên, chúng tôi đang đàm phán với các đối tác cung cấp nguyên liệu để giữ giá thêm một thời gian nữa để bình ổn, do đó chưa tăng giá trong lúc này".
Bình luận (0)