Theo Thông tấn xã Việt Nam, ngày 29.7, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thông báo trên mạng xã hội của Bộ Kinh tế nước này: Cấm xuất khẩu gạo trong 4 tháng, lệnh cấm có hiệu lực từ 28.7, bao gồm các khu vực tự do ở UAE và áp dụng cho tất cả các loại gạo, bao gồm gạo lứt, gạo xay xát hoàn toàn hoặc một phần và gạo tấm. Lệnh cấm có thể tự động gia hạn trừ phi có quyết định hủy bỏ việc thực hiện lệnh này.
Ngoài UAE, Chính phủ Nga cũng tạm thời cấm xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến, sẽ có hiệu lực cho đến 31.12.2023. Quyết định được đưa ra để duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa. Nga nổi tiếng với lúa mì, nhưng gạo vẫn được trồng, chủ yếu ở các vùng phía tây nam nước này, gần biên giới với Azerbaijan, Georgia và Kazakhstan. Ngoài ra, có một phần sản lượng nhỏ ở miền đông nước Nga dọc biên giới với Trung Quốc và Triều Tiên.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, UAE là nhà thương mại gạo lớn và uy tín ở khu vực Trung Đông. Nước này không trực tiếp sản xuất kinh doanh mà hầu hết gạo của nước này được nhập từ Ấn Độ, Pakistan cũng như các nước vùng Đông Nam Á như Thái Lan và Việt Nam. Trong khi đó, lượng gạo sản xuất của Nga mỗi năm chưa tới 1 triệu tấn. Việc tạm ngừng xuất khẩu của những nước này chủ yếu có tác động dây chuyền về mặt tâm lý, ít ảnh hưởng đến thị trường gạo thế giới nói chung.
Tuy nhiên, những hành động trên cũng cho thấy thực tế trên phạm vi toàn cầu, nguồn cung và giá gạo đang trở thành chủ đề nhạy cảm. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ cùng với việc đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở biển Đen có thể khiến giá ngũ cốc toàn cầu tăng thêm 10 - 15% trong năm 2023. Kèm theo đó là các biện pháp "trả đũa" thương mại giữa các quốc gia. Chính vì vậy, nên loại bỏ các hạn chế này vì chúng có thể gây hại trên toàn cầu.
Trong khi tại Ấn Độ, chiếm tới 40% nguồn cung gạo toàn cầu, sau khi cấm xuất khẩu gạo trắng các loại trừ gạo Basmati thì mới đây ngưng xuất khẩu cả cám gạo đã tách dầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gạo đầu mối cũng ngừng cung cấp gạo cho ngành công nghiệp ethanol trong hơn một tuần qua.
Tại thị trường Thái Lan và Việt Nam, tuần qua, giá gạo tăng mạnh, bình quân từ 30 - 50 USD/tấn. Gạo tiêu chuẩn 5% tấm đã chạm mốc lịch sử hơn một thập kỷ, lên 600 USD/tấn. Các tính toán cho thấy, nguồn cung gạo năm nay thiếu hụt từ 7 - 9 triệu tấn, dẫn đến diễn biến giá gạo sắp tới sẽ rất khó lường.
Thái Lan được xem là nước hưởng lợi nhiều nhất từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ vì hiện tại nước này còn lượng gạo có khả năng xuất khẩu lớn nhất với khoảng 4 - 5 triệu tấn, trong khi đó, Việt Nam chỉ còn khoảng 2 - 2,5 triệu tấn gạo để xuất khẩu.
Bình luận (0)