Bùng nổ ca bệnh nhiễm giun lây từ thú cưng: Người nuôi cần làm gì?

Thảo Phương
Thảo Phương
29/03/2024 17:17 GMT+7

Theo Thanh Niên đã đưa tin, các ca bệnh nhiễm giun đũa chó, mèo đang gia tăng, trong đó có nguyên nhân do nuôi thú cưng. Vậy người nuôi cần làm gì để chung sống an toàn với thú cưng?

Hiện tại đang nuôi 2 con mèo để làm thú cưng, Võ Thị Phương (24 tuổi), ngụ ở đường Quách Xân, P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng), chia sẻ bắt đầu chăm sóc chúng từ năm 2019. “Ban đầu mình nuôi 5 con nhưng hiện tại chỉ còn có 2. Mình thương tụi nó nên xem như người thân, gọi con và xưng mẹ. Thời gian rảnh mình đều quấn quýt bên tụi nó, vuốt ve, ôm ấp và thậm chí là cho ngủ chung”, Phương chia sẻ.

Bùng nổ ca bệnh nhiễm giun lây từ thú cưng: Người nuôi cần làm gì?- Ảnh 1.

Những con mèo mà Phương nuôi

NVCC

Để phòng bệnh cho thú cưng cũng như tránh lây nhiễm sang người, Phương cho biết đã tiêm vắc xin đầy đủ cho vật nuôi khi chúng còn nhỏ. Ngoài ra, cô nàng còn tiêm 3 mũi phòng bệnh, cứ 3 tháng tiêm nhắc lại 1 lần và xổ giun định kỳ cho mèo. Và bản thân cô nàng gen Z cũng xổ giun định kỳ mỗi năm 2 lần.

Bên cạnh việc tiêm phòng, xổ giun đầy đủ Phương còn thường xuyên tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ cho các con mèo. “2 tuần mình sẽ tắm cho tụi nó 1 lần, còn phân thì bỏ vào 1 chỗ rồi ngày nào cũng dọn và xịt khử mùi hôi”, Phương cho biết.

Xổ giun theo định kỳ cho thú cưng và cả bản thân cũng là cách mà Nguyễn Thị Thu Hương, làm việc ở đường Ngô Gia Tự, P.9, Q.5 (TP.HCM) đang áp dụng. “Mình có nuôi 1 con chó gần 3 năm nay. Thời gian gần đây, các ca bệnh nhiễm giun đũa chó, mèo đang gia tăng nên cũng khá lo, mặc dù mình đã cho xổ giun, sán định kỳ. Mình cũng có tìm hiểu về những con đường lây nhiễm giun, sán từ thú cưng sang người nên kỹ hơn trong khâu ăn uống như: rửa tay bằng xà phòng trước bữa ăn và sau khi tiếp xúc với chó. Mình cũng hạn chế để nó liếm vào mặt hay lên giường ngủ cùng”, Hương cho hay.

Bùng nổ ca bệnh nhiễm giun lây từ thú cưng: Người nuôi cần làm gì?- Ảnh 2.

Chó là vật nuôi quen thuộc, chúng trở thành thú cưng của nhiều người

THẢO PHƯƠNG

Cũng đang nuôi mèo làm thú cưng nhiều năm nay, Trần Thị Đức Tâm (23 tuổi), ngụ tại kiệt 325 Hùng Vương, P.Vĩnh Trung, Q.Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) cho rằng khả năng lây nhiễm sán, giun sang người sẽ rất khó nếu tiêm phòng đầy đủ. 

“Mình nghĩ nếu tiêm phòng đầy đủ, xổ giun cho vật nuôi đều đặn theo định kỳ thì sẽ không sao. Khi mới 1 - 2 tháng tuổi mình đã cho mèo đi tiêm phòng và tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần. Có sổ theo dõi lịch tiêm đàng hoàng. Mình cũng chú trọng dọn dẹp vệ sinh phòng sạch sẽ, cho tụi nó đi vệ sinh đúng nơi”, Tâm cho biết.

Trước khi nuôi thú cưng, Tâm cũng đã tìm hiểu kỹ về các con đường lây nhiễm giun, sán từ vật nuôi sang người. Do vậy, hiện tại chưa có bất cứ vấn đề nào xảy ra với cô nàng và vật nuôi.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Bệnh viện Thú y Kim Sơn, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết bệnh giun, sán ở chó và mèo lây sang người qua nhiều con đường khác nhau. “Ấu trùng có trong phân của thú cưng thải ra ngoài môi trường không may lây nhiễm vào các nguồn nước, thực phẩm như rau củ quả. Nếu người nào có thói quen ăn rau sống, đồ chưa qua nấu chín sẽ rất dễ bị lây nhiễm giun, sán chó, mèo. Hoặc khi lông của chó, mèo bay vào đồ ăn của người cũng rất dễ bị nhiễm giun, sán", bác sĩ Nhung chia sẻ.

Bùng nổ ca bệnh nhiễm giun lây từ thú cưng: Người nuôi cần làm gì?- Ảnh 3.

Có nhiều cách để người nuôi chung sống an toàn với thú cưng

THẢO PHƯƠNG

Để phòng nhiễm giun, sán bác sĩ Nhung cho biết người nuôi cần xổ giun định kỳ, diệt bọ chét cho thú cưng. Bác sĩ Nhung thông tin: “Vật nuôi nào ăn thịt sống thì cần tăng tần số xổ giun lên 2 tháng/lần và người nuôi cũng cần xổ giun định kỳ 6 tháng/lần. Ngoài ra, còn phải thường xuyên vệ sinh, tắm rửa cho thú cưng, xử lý phân của chúng cẩn thận, sạch sẽ. Mọi người cũng cần ăn chín uống sôi, hạn chế dùng rau sống, thịt chưa được nấu chín kỹ. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với thú cưng”.

Bác sĩ Nhung cho biết thêm muốn ngủ chung hay ôm ấp, vuốt ve thú cưng thì phải tắm rửa cho chúng sạch sẽ, xổ giun sán đều đặn theo định kỳ để tránh bị lây nhiễm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.