Bùng nổ dịch vụ cho sinh viên vay tiền, tốt nhưng nhiều rủi ro

03/08/2023 08:00 GMT+7

Rất nhiều dịch vụ cho sinh viên vay tiền đang "bùng nổ" tại các trường đại học và trên mạng. Điều này là rất tốt nhưng nếu không tỉnh táo lựa chọn đơn vị cho vay uy tín cũng như khoản vay phù hợp, sinh viên sẽ rơi vào cạm bẫy tín dụng đen, ảnh hưởng đến tương lai sau này.

Linh là sinh viên năm thứ ba một trường đại học kiến trúc tại Hà Nội. Càng vào những năm cuối, học phí, học cụ và chi tiêu tại thành phố càng trở nên tốn kém. Không muốn làm phiền gia đình ở quê, Linh quyết định tìm hiểu các gói vay tiền dành cho sinh viên với mong muốn khi ra trường sẽ trả hết nợ các khoản vay này. Tuy nhiên, điều khiến Linh lo lắng nhất là vướng vào cạm bẫy tín dụng đen đang ngày một tinh vi.

Sinh viên có dễ tìm người cho vay?

Nhiều người vẫn nghĩ "dại gì mà cho sinh viên vay, nó làm gì có tiền mà trả". Thực tế lại trái ngược hoàn toàn. Cho sinh viên vay là mảng thị trường sôi động bậc nhất với sự tham gia của tất cả các tổ chức tài chính, từ ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng thương mại, công ty tài chính, tiệm cầm đồ và cả… tín dụng đen.

Bùng nổ dịch vụ cho sinh viên vay tiền - tốt nhưng nhiều rủi ro - Ảnh 1.

Hình thức cho vay đa phần là tín chấp. Điều kiện cho vay tín chấp cũng khá đơn giản. Người vay phải ở độ tuổi trên 18; có đăng ký hộ khẩu thường trú hợp pháp; nếu là sinh viên năm nhất thì phải có giấy báo nhập học và nếu là sinh viên các năm sau thì cần có giấy xác nhận là sinh viên của nhà trường cũng như chưa bị xử phạt hành chính về các hành vi đánh bạc, nghiện ma túy, buôn lậu… Ngoài ra, đơn đề nghị vay vốn phải được ủy ban nhân dân phường xã nơi sinh viên cư trú chứng thực. Cuối cùng và quan trọng nhất là không được có lịch sử nợ xấu bị ghi nhận tại Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC).

Vay tiền từ ngân hàng, khó vay nhưng dễ trả

Có hai lựa chọn khi muốn vay tiền từ các ngân hàng. Ưu tiên là vay ở ngân hàng chính sách xã hội nhưng điều kiện vay rất khắt khe như sinh viên bắt buộc phải là con gia đình chính sách, gia đình nghèo hoặc mồ côi. Hạn mức vay ở đây có thể lên đến 4 triệu đồng/sinh viên/tháng trong khi lãi suất chỉ 0,65%/tháng. Điều kiện vay từ các ngân hàng thương mại có phần dễ chịu hơn nhưng vẫn sẽ ưu tiên sinh viên thuộc gia đình chính sách và có thành tích học tập tốt, được nhà trường xác nhận. Lãi suất của ngân hàng thương mại cao hơn, thường dao động từ 7%-11%/năm nhưng vẫn được đánh giá là "dễ trả". Nhưng nhìn chung, không nhiều sinh viên vay được từ các ngân hàng.

Vay tiền từ công ty tài chính, dễ vay nhưng khó trả

Hầu hết các công ty tài chính đều có các sản phẩm vay tín chấp và nó được đánh giá là phù hợp với sinh viên. Các điều kiện, thủ tục vay thì không khác các ngân hàng nhưng được nới lỏng hơn, đặc biệt là ở việc chứng minh thành tích tốt trong học tập hay gia đình chính sách. Việc phê duyệt hồ sơ và giải ngân cũng khá nhanh, chỉ 2-3 ngày làm việc, thậm chí có nơi chỉ trong 24 giờ. Ngược lại, điểm hạn chế là lãi suất cao hơn ngân hàng, thậm chí có trường hợp lãi suất lên đến 4%/tháng. Nhiều sinh viên gọi mức lãi suất này là "khó trả".

Bùng nổ dịch vụ cho sinh viên vay tiền - tốt nhưng nhiều rủi ro - Ảnh 2.

Vay tiền từ các cửa hiệu cầm đồ, cần chọn lựa kỹ càng

Vay tiền tại tiệm cầm đồ vốn chẳng xa lạ với các thế hệ sinh viên. Vay nhanh, vay dễ hơn ngân hàng hay công ty tài chính nhưng yêu cầu phải có tài sản cầm cố, thường là xe máy, điện thoại, laptop - những vật dụng thiết yếu đối với sinh viên. Số tiền vay được từ các tiệm cầm đồ không cao, chỉ từ 5 -15 triệu đồng nhưng lại giúp sinh viên nhanh chóng giải quyết các khó khăn trước mắt. Nhưng các tiệm cầm đồ vốn chịu nhiều định kiến bởi lãi suất cao và cách định giá tài sản không rõ ràng… Gần đây, cũng có nhiều cửa hàng cầm đồ hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và khắc phục được các vấn đề trên, như F88, trong khi mức lãi suất cũng dễ chịu hơn, chỉ 1,1%/tháng và chưa bao gồm một số khoản phí hợp pháp khác.

Vay tiền từ tín dụng đen, tránh xa

Tín dụng đen thường núp danh các công ty tài chính. Họ dán thông báo cho vay ở bất cứ chỗ nào sinh viên thường lui tới hay liên tục đẩy thông tin lên trên internet nhưng lại không có địa chỉ văn phòng, trụ sở, chỉ duy nhất một số điện thoại cá nhân, không phải tổng đài. Vay tiền từ họ vô cùng đơn giản, chỉ trong chớp mắt, chẳng phải làm thủ tục hay cầm cố tài sản gì. Tuy nhiên, lãi suất thì "không ai chịu nổi", lên đến vài trăm %/năm, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật. Công an đã liên tục truy quét, triệt phá các đối tượng cho vay nặng lãi nhưng hiện vẫn có nhiều biến tướng và có thể đang làm hại nhiều sinh viên nhẹ dạ.

Trở lại với Linh, khi cần vay tiền mà không quá gấp, Linh nên tiếp cận và vay từ các ngân hàng. Thủ tục vay có thể khiến Linh mất thời gian nhưng việc trả nợ sẽ nhẹ nhàng hơn. Nếu phải vay ngay lập tức, Linh nên tìm kiếm các tiệm cầm đồ hợp pháp, có uy tín. Nên nhớ, dù trong bất cứ trường hợp nào, không được vay từ các tổ chức tín dụng đen.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.