Trong một cuộc họp mới đây, lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện (BV) không chỉ tập trung cứu chữa bệnh nhân (BN) Covid-19 mà còn tiếp nhận khám, cấp cứu các bệnh khác. Nguyên nhân do thời điểm này, người dân ngại lo Covid-19, ít đi khám chữa bệnh tại BV sẽ khiến bệnh nặng thêm và như vậy sẽ gây thêm gánh nặng y tế.
Bệnh viện tiếp nhận khám, cấp cứu bình thường
Sáng 13.8, PV Thanh Niên có mặt tại BV Chợ Rẫy để ghi nhận công tác tiếp nhận BN cấp cứu cũng như khám chữa bệnh trực tiếp, tuy nhiên số lượng BN rất ít so với trước đây do chủ yếu khám chữa bệnh qua online.
Khoảng 10 giờ cùng ngày, BN nữ tên Th. đến Khoa Y học hạt nhân khám chữa bệnh. Đang trong đợt dịch Covid-19 nên bà Th. cũng lo lắng khi tới khám bệnh, nhưng vì nghi ngờ bị di căn hạch cổ nên buộc bà phải đến khám trực tiếp.
|
Qua khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán bà Th. tình trạng sức khỏe bình thường và trấn an BN. Theo một cán bộ y tế tại khoa này, việc khám chữa bệnh cho BN trong những ngày dịch luôn được triển khai nhanh chóng để người dân rời khỏi BV sớm nhất có thể. Mặt khác, số lượng BN đến khám chữa bệnh trong những ngày dịch giảm mạnh nên công tác khám bệnh cũng được xử lý nhanh. “Thông thường khi không có dịch, mỗi ngày khoa tiếp nhận hơn 100 trường hợp. Đến lúc dịch thì chỉ khoảng 20 trường hợp và chỉ đông vào ngày thứ hai”, vị bác sĩ này nói.
“Trong những đợt dịch vừa qua, Chợ Rẫy là BV chia sẻ nhân lực có thể nói là đắc lực cho TP.HCM để điều trị Covid-19. Nhưng BV vẫn phải đảm bảo khám, cấp cứu cho BN thông thường khác. Hiện số BN đến khám và cấp cứu do bệnh khác ngoài Covid-19 giảm sâu do sợ dịch, do giãn cách xã hội. Do đó, BV Chợ Rẫy tư vấn online qua điện thoại cho BN đang khám tại tuyến huyện, tỉnh; nhất là các BN có bệnh mãn tính, tránh tập trung lên TP.HCM”, một bác sĩ của BV Chợ Rẫy cho hay.
Tương tự, BV TP.Thủ Đức (trực thuộc Sở Y tế TP.HCM) nằm ở cửa ngõ phía đông TP.HCM cùng với BV đa khoa khu vực Thủ Đức. Khi BV đa khoa khu vực Thủ Đức chuyển thành BV điều trị Covid-19 thì BN sẽ dồn về BV TP.Thủ Đức, mặc dù BV này cũng tách đôi công năng vừa điều trị Covid-19 vừa khám chữa các bệnh khác. TS-BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV TP.Thủ Đức, cho biết BV vẫn tiếp nhận khám, cấp cứu bình thường. BN nội trú tại BV chỉ còn 1/3 (bình thường 1.000 BN). BV chỉ cho BN nhập nội trú khi cần thiết. Còn BN phẫu thuật ổn định thì cho về ngay, hạn chế nằm tại BV tránh lây nhiễm, đồng thời BV cử điều dưỡng đến nhà chăm sóc vết thương.
Về cấp cứu, BV tiếp nhận 24/24, nhưng chia làm 2 luồng, một dành cho BN Covid-19 và một dành cho BN bệnh khác. “Hiện nay BN cấp cứu các bệnh khác ra vào liên tục với các loại bệnh chủ yếu là tai nạn sinh hoạt, các bệnh lý nội khoa ở người lớn tuổi. Đặc biệt nhồi máu cơ tim, đột quỵ đa số đến BV là nặng và được giải quyết kịp thời”, TS-BS Nguyễn Minh Quân chia sẻ.
Còn TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cũng cho hay hiện BV chỉ còn 91 BN nội trú, ít hơn các ngày tết (200 - 300 BN và ngày thường 1.000 BN). Từ đầu mùa dịch, BV cũng nhắn cho 20.000 BN, khuyến cáo nếu được thì điều trị ở địa phương, tránh lên TP; còn nếu lên TP thì cần xét nghiệm Covid-19 để khỏi chờ. Hiện BV Ung bướu quán triệt là phải nhận bệnh, BN bị tai nạn giao thông, đau đẻ vẫn nhận, xử lý cấp cứu rồi chuyển. Còn BN ung thư tới là nhận, xét nghiệm Covid-19 xong cho nhập nội trú, 5 ngày là thử lại Covid-19.
Khám bệnh online, tại nhà…
Theo BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, ngay ngày đầu tiên triển khai tư vấn online (12.8), có khoa tiếp nhận 100 cuộc, có khoa tiếp nhận đến 200 cuộc gọi. Cả ngày 12.8, BV Chợ Rẫy tiếp nhận trên 3.000 cuộc gọi của BN. Đa số BN đã đi khám bệnh ở tuyến tỉnh và có thuốc, nhưng nghe BV Chợ Rẫy có số điện thoại tư vấn, khám online nên gọi để được tư vấn thêm cho yên tâm. Bác sĩ Việt khuyến cáo chỉ những BN quá cần thiết mới đến BV. Việc tư vấn online vừa giúp BN ổn định tinh thần, đồng thời còn phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường của BN để đưa đi BV cấp cứu kịp thời.
Về vấn đề này, TS-BS Nguyễn Minh Quân cho rằng do giai đoạn này ít BN đến BV khám ngoại trú nên BV triển khai nhiều hình thức hỗ trợ BN như: khám tại nhà, tư vấn sức khỏe online, khám qua điện thoại và mang thuốc đến nhà. “Những BN lớn tuổi thì BV cử bác sĩ đến khám tại nhà. Với người diện chính sách thì khám và phát thuốc theo diện chính sách, miễn phí. BV cũng triển khai khám tại nhà cho người có nhu cầu khác với giá khám 300.000 đồng/lần và cho thuốc tại nhà. Ngoài ra, BV có 6 số điện thoại, 2 số dành cho Covid-19, 2 số cấp cứu và 2 số tư vấn, bộ phận trực nghe điện thoại, tư vấn 24/24. Những BN mắc bệnh mãn tính thì có luôn số điện thoại của bác sĩ tại các khoa mà liên hệ trực tiếp”, TS-BS Quân nói.
Chăm sóc, điều trị bệnh nhân thông thườngTại buổi họp báo sáng 13.8, BS Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết các BV ở TP hiện có 2 mô hình: mô hình BV quận huyện chuyển công năng tham gia điều trị Covid-19 và một số BV giữ nguyên để choàng gánh các BN mắc bệnh khác cho các BV đã chuyển đổi công năng, một số BV chia đôi. Do đó, bên cạnh công tác chăm sóc, điều trị BN Covid-19 thì Sở Y tế cũng phân công các BV khác để tiếp nhận điều trị. Như trên địa bàn Q.Gò Vấp, BV Q.Gò Vấp đã chuyển hoàn toàn công năng sang điều trị Covid-19 thì các BV tư nhân gần đó sẽ tiếp nhận điều trị BN các bệnh khác trên địa bàn, người bệnh đều được hưởng chính sách BHYT bình thường.
Sỹ Đông
|
Cụ thể hơn, theo TS-BS Đỗ Anh Toàn (BV Bình Dân), nhiều BN có bệnh nền, có đặt dụng cụ trong người, BN có bướu chờ mổ… Để giải quyết cho những BN này khi họ không thể đến được BV, ông hẹn BN khám bệnh qua video call để tương tác, yêu cầu BN nói những diễn biến tình trạng sức khỏe, biến chứng, trình hồ sơ (nếu có) và cho toa thuốc. Với BN cần giải quyết khẩn cấp ở địa phương, ông hướng dẫn đến trung tâm y tế, BV gần nhất và ông sẽ phối hợp với y bác sĩ tại đây để hướng dẫn chăm sóc tốt nhất có thể cho BN.
TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho hay hiện BV cũng chỉ tư vấn qua điện thoại, các đường dây tư vấn đến tận các khoa. BV cũng đã dự trù tình huống khi hết dịch, hết giãn cách BN sẽ lên TP đông và phải tăng cường nhân sự, thời gian để đáp ứng.
Bệnh viện phải luôn mở cổng tiếp nhận bệnh nhân
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã có yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn luôn sẵn sàng tiếp nhận BN đến khám và cấp cứu 24/7. Đảm bảo trực 24/7, luôn mở cổng BV để sẵn sàng tiếp nhận khi BN tự đến khám hoặc cấp cứu, đặc biệt vào ban đêm. Tuyệt đối không vì thủ tục hành chính mà làm chậm trễ việc cấp cứu BN. Không được yêu cầu BN phải có xét nghiệm test nhanh hoặc PCR dương tính với Covid-19 mới tiếp nhận. Việc làm này nhằm hướng đến mục tiêu giảm thấp tỷ lệ tử vong và không để BN tử vong tại nhà do chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận BN. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận BN. Những trường hợp nào chậm trễ, từ chối làm ảnh hưởng đến BN sẽ bị xử lý theo quy định.
Lãnh đạo Sở Y tế giao Thanh tra Sở phối hợp Phòng Nghiệp vụ y, Văn phòng Sở ghi nhận các trường hợp từ chối hoặc xử lý chậm trễ việc tiếp nhận, điều trị BN, báo cáo Ban Giám đốc Sở Y tế xem xét và xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật về công chức, viên chức.
Hầu hết các BV trên địa bàn TP.HCM đều triển khai tư vấn sức khỏe cho BN bằng biện pháp online. Còn nếu đến BV để khám, cấp cứu thì thủ tục hiện nay là khám sàng lọc, test nhanh, thậm chí là xét nghiệm RT-PCR (với BN nhập nội trú) rồi mới được vào BV.
Duy Tính
|
Còn theo bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 (TP.HCM), trung tâm vẫn tiếp nhận cấp cứu những BN không mắc Covid-19, nhưng tỷ lệ BN này hiện ít hơn BN Covid-19. BN cần cấp cứu gọi Tổng đài 115 để được đáp ứng.
Bình luận (0)