Bùng nổ thực phẩm côn trùng

22/02/2017 13:00 GMT+7

Các món ăn côn trùng đang dần trở nên phổ biến ở phương Tây và tạo cơ hội lớn cho nguồn cung từ các nước Đông Nam Á.

Trong khi phần đông vẫn tỏ thái độ ngần ngại, thậm chí “ghê sợ”, trước những món ăn như châu chấu chiên giòn hay dế nướng, các loại thực phẩm làm từ côn trùng đã xâm nhập được thị trường Âu Mỹ và ngày càng được ưa chuộng. Nhiều người nhận ra rằng côn trùng rất bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe chứ không “gớm ghiếc” như họ từng nghĩ.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định Đông Nam Á sẽ là nguồn cung cấp nguyên liệu thực phẩm côn trùng chủ yếu cho cả thế giới trong những năm tới. Khu vực này có thế mạnh là nhiều địa phương có thói quen sử dụng côn trùng làm thực phẩm và khí hậu nhiệt đới cũng là điều kiện lý tưởng để lập các trang trại nuôi côn trùng quy mô lớn.
“Bùng nổ”
Ông Massimo Reverberi, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm và thức ăn chăn nuôi côn trùng ASEAN (AFFIA), khẳng định với Thanh Niên người tiêu dùng phương Tây đang nhận ra côn trùng là nguồn thực phẩm giàu đạm, nhiều vitamin và khoáng chất. Những doanh nghiệp ASEAN như Bitty, Six Food và Bugsolutely - công ty sản xuất thực phẩm côn trùng ở Bangkok (Thái Lan) do ông Reverberi sáng lập - đã giới thiệu nhiều sản phẩm đến các thị trường này, trong đó có món nui làm từ bột dế.
“Có người mua vì tò mò, những người khác bắt đầu ưa thích các yếu tố dinh dưỡng trong các sản phẩm côn trùng dù giá vẫn còn khá cao”, ông Reverberi nói và cho biết thêm trong năm 2018, đa số các nước EU sẽ công nhận côn trùng là một loại thực phẩm, khi đó chắc chắn giá sẽ giảm nhanh.
Tại Thái Lan đã có 2 công ty chuyên sản xuất côn trùng đóng gói làm thức ăn vặt và họ đang ồ ạt đổ vốn vào tiếp thị. Nhiều người chưa bao giờ nghĩ tới “snack côn trùng” thì giờ đây bắt đầu thấy các quảng cáo xuất hiện với tần số dày đặc trên các phương tiện thông tin ở nước này.
Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên, ông Robert Nathan Allen, Chủ tịch Tổ chức Tuyên truyền về thực phẩm từ côn trùng Little Herds có trụ sở ở bang Texas (Mỹ), cũng cho biết thực phẩm côn trùng đang “bùng nổ” tại phương Tây.
“Ngành công nghiệp này đang rất nhộn nhịp vì ngày càng có nhiều nông trại nuôi côn trùng và các công ty sản xuất chuyên ngành”, ông nhận định. Tương tự, ông Nathan Preteseille, chuyên viên Công ty tư vấn nông sản thực phẩm AETS tại Pháp, dự báo 2017 sẽ là năm đầy hứa hẹn cho ngành thực phẩm côn trùng. Ngay từ giữa năm 2016, hàng triệu euro vốn đầu tư đã được đổ vào ngành thức ăn chăn nuôi từ côn trùng ở Pháp và Nam Phi. Công ty Protifarm ở Đan Mạch cũng bỏ ra 2 triệu euro đầu tư ngành kinh doanh đầy tiềm năng này còn Thụy Sĩ dự định cho phép bán 3 loại côn trùng làm thực phẩm.
Món ăn côn trùng bán ở chợ Tịnh Biên, An Giang Công Hân
Chuyển động tại Việt Nam
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp thực phẩm côn trùng cũng đã có những bước chạy đà cho cuộc đua sắp tới. Sáng lập viên Công ty Bug Corporation Bùi Ngọc Chương cho biết công ty đã đi tiên phong trong sản xuất sản phẩm snack dế nguyên con tại Việt Nam và đang hướng tới đối tượng nam giới tuổi từ 16 - 34 có thói quen tiêu dùng nhanh. Nguồn nguyên liệu lấy từ nông trại của công ty tại tỉnh Lâm Đồng cũng như mô hình liên kết với các hộ nông dân nuôi dế.
Một công ty khác chuyên về sản phẩm côn trùng ở Việt Nam là Entobel được thành lập năm 2014. Đại diện công ty Gaetan Crielaard cho Thanh Niên hay Entobel chỉ mới sản xuất phân bón, nguyên liệu làm thức ăn gia súc và ấu trùng nuôi chim, ếch... Tuy nhiên, công ty đang rất hào hứng với xu hướng phát triển của thị trường thực phẩm côn trùng cho người. “Entobel đang nhắm tới thị trường này và đã có sẵn một mạng lưới rộng lớn để cung cấp sản phẩm ngay khi bắt đầu sản xuất”, ông Crielaard nói. Theo ông, Entobel rất muốn tìm kiếm cơ hội liên kết với nông dân để nuôi và cung cấp côn trùng.
Ông Reverberi cho rằng Đông Nam Á là nơi lý tưởng để nuôi côn trùng và ngành công nghiệp này chắc chắn mang lại nhiều lợi ích. “Côn trùng tiêu thụ ít nước và thức ăn hơn và không thải ra khí methane như trâu bò. Bệnh của chúng cũng không lây sang con người”, ông giải thích.
Theo ông, nuôi côn trùng không cần nông trại to lớn và chỉ cần mô hình hoạt động quy mô nhỏ, rất lý tưởng tại các nước ASEAN với truyền thống chăn nuôi hộ gia đình. “Châu Âu và Bắc Mỹ không thể cạnh tranh do điều kiện đất đai và giá nhân công cao. Hiện tại giá bán sỉ 1 kg bột dế ở Mỹ là 50 USD trong khi ở Thái Lan chỉ dưới 20 USD”, ông so sánh.
Rào cản tâm lý
Trong chuyến đi đến Campuchia mới đây để quảng bá một bộ phim do mình đạo diễn, ngôi sao điện ảnh Angelina Jolie đã trổ tài chế biến và cùng các con thưởng thức dế, nhện, bọ cạp... Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm và thức ăn chăn nuôi côn trùng ASEAN Massimo Reverberi cho rằng thông tin này không giúp gì trong việc quảng bá thực phẩm côn trùng, thậm chí có ảnh hưởng không tốt. “Những thông tin như vậy càng củng cố tâm lý rằng ăn côn trùng là điều gì đó quái lạ hoặc chỉ là phong tục độc lạ của địa phương”.
Tương tự, theo ông Bùi Ngọc Chương, khó khăn lớn nhất là rào cản trong tư tưởng khách hàng vì nhiều người có cảm giác ghê sợ và không dám thử trong khi chưa hiểu rõ về giá trị dinh dưỡng và tính an toàn của thực phẩm côn trùng. Các chuyên gia cho rằng một trong những cách khắc phục vấn đề này là tăng cường quảng bá kết hợp với chế biến các món ăn sao cho có hình thức đẹp mắt, hấp dẫn, đừng “để nguyên con” như lâu nay.
Một khó khăn khác là các cơ quan quản lý vẫn chưa quan tâm đúng mức đến ngành thực phẩm đầy tiềm năng này. Thực phẩm côn trùng chưa có Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), chưa có mã HS dùng trong xuất nhập khẩu và chưa được quy định trong Tiêu chuẩn thực phẩm Codex của FAO. “Nhiều cơ quan an toàn thực phẩm và hải quan trên thế giới rất ngạc nhiên khi thấy nui làm từ bột dế và thỏi bánh kẹo làm từ sâu bột”, ông Reverberi cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.