(TNO) Ngay sau khi đọc được thông tin Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng có công văn yêu cầu cán bộ trong ngành khi đi công tác phải ưu tiên đi máy bay giá rẻ để tiết kiệm chi phí, chia sẻ trên trang facebook của mình, ông Nguyễn Thiện, Giám đốc Công ty truyền thông Tiêu Điểm, viết: “Hoan nghênh Bộ trưởng Đinh La Thăng và tôi đòi hỏi các bộ trưởng khác cũng phải như vậy”.
|
Bay cùng ngày, hạng thương gia đắt hơn 4,2 triệu đồng PV Thanh Niên Online thử đặt chiều TP.HCM - Hà Nội của cả ba hãng JPA, VJA và Vietnam Airlines (VNA) bay cùng ngày để so sánh giá vé của ba hãng. Đối với thời điểm cận ngày bay 28.10, vé của JPA là 1,17 triệu đồng, VJA là 1,26 triệu đồng, của VNA có nhiều mức giá: siêu tiết kiệm là 1,7 triệu đồng, tiết kiệm là 2 - 2,7 triệu đồng, thông thường là 3 triệu đồng, thương gia là 5,1 triệu đồng. Ở thời điểm bay ngày 25.11, vé của JPA là 870.000 đồng, VJA là 900.000 đồng, VNA thứ tự lần lượt là 1,4 đến 1,6-1,7; 3; 5,1 triệu đồng. Nếu so sánh vé của JPA bay ngày 25.11, vé thương gia của VNA bay cùng ngày đắt hơn 4,2 triệu đồng. Các mức giá trên chưa bao gồm thuế và phí sân bay. |
Tất nhiên, người dân đòi hỏi nhiều hơn nữa ở Bộ trưởng như phải đưa ra chính sách, tầm nhìn đối với những chuyện lớn hơn trong ngành mình nhưng xã hội cần ủng hộ hơn nữa với chủ trương trên.
"Mình phải nghĩ tại sao các nước giàu có nhưng trong mọi chính sách dù lớn hay nhỏ, họ đều cố gắng tiết kiệm ngân sách quốc gia", ông Thiện đặt câu hỏi.
* Nhưng cũng có ý kiến cho rằng thay vì quản lý giá vé máy bay của cán bộ khi đi công vụ, Bộ trưởng Đinh La Thăng hãy dành thời gian cho việc quản lý những dự án đầu tư chưa hiệu quả và đang làm thất thoát ngân sách nhiều tỉ đồng?
- Ông Nguyễn Thiện: Bản thân tôi thì nghĩ rằng không nên đặt chuyện quản lý vé máy bay là chuyện nhỏ và việc quản lý những dự án đầu tư là chuyện lớn. Chuyện gì mà mình thấy có lợi cho xã hội thì nên làm.
Còn ý kiến là vé thương gia là thể hiện đẳng cấp hay vị thế của người đi thì hãy nên áp dụng cho doanh nghiệp. Tôi từng làm việc ở một số công ty lớn, khi đi công tác buộc phải ở một khách sạn hay ăn ở một nhà hàng nào đó để giữ hình ảnh cho công ty.
Đứng ở góc độ ngân sách hay tiền thuế của dân thì việc tiết kiệm không làm mất đi hình ảnh mà trái lại còn nâng cao vị thế của người đi.
* Liệu có thay đổi được thói quen dùng vé máy bay hạng sang thay cho giá rẻ hay không bởi người đi nghĩ đó là tiền ngân sách và tôi đi làm việc công chứ có đi việc tư đâu mà tiết kiệm. Ông nghĩ quyết định này có khả thi?
- Tôi nghĩ Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ quy định trong bộ của ông thì đương nhiên khả thi. Trong quy định đó, tôi nghĩ sẽ có điều khoản yêu cầu các phòng ban tài chính trong Bộ GTVT kiểm tra cán bộ sử dụng vé máy bay khi đi công tác, từ đó phát hiện trường hợp nào lách quy định.
* Nhưng trước đây Bộ trưởng Đinh La Thăng từng kêu gọi cán bộ trong ngành đi xe buýt nhưng rồi không thành hiện thực?
- Thực tình mà nói việc đi xe buýt rất khó kiểm tra. Cho nên vấn đề đặt ra ở đây là sau quy định thì việc tổ chức, thực hiện, giám sát nó như thế nào. Việc quản lý cán bộ đi vé máy bay như thế nào nếu muốn sẽ kiểm tra được thông qua hóa đơn, chứng từ.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines (JPA): Mong muốn từ lâu của các hãng Quyết định của Bộ trưởng Đinh La Thăng là tín hiệu rất tích cực đối với hàng không giá rẻ bởi các hãng sẽ có thêm lượng khách. Đây là điều mong muốn từ lâu của hàng không giá rẻ. Mục tiêu của hàng không giá rẻ là nhằm vào những hành khách nhạy cảm về giá. Đó là khách du lịch, nghỉ ngơi, đi thăm người thân. Hãng chưa có thống kê đầy đủ về đối tượng khách công vụ mua vé nhưng ở các nước phát triển hành khách đi vì mục đích công việc mua vé giá rẻ rất phổ biến. Hạn chế của hàng không giá rẻ trong nước là số lượng và tần suất chuyến bay chưa thể phủ sóng hết cả nước để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Tuy nhiên trong tương lai điều này sẽ được khắc phục bởi các hãng đều có kế hoạch thuê, mua máy bay để mở đường bay và tăng thêm tần suất. Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Hãng hàng không VietJet Air (VJA): Tiết kiệm 20-50% chi phí Đây là xu thế tiêu dùng của người tiêu dùng thông minh ở nhiều nước. Bởi chi phí được thể hiện trong sản phẩm. Nhiều hành khách khi đi máy bay không có nhu cầu suất ăn, nước uống, báo chí nhưng đều phải trả tiền trong giá vé. Còn hàng không giá rẻ bỏ hết những dịch vụ này đi để tiết kiệm cho khách. Hiện tại có một số công ty ký hợp đồng dài hạn với VietJet Air. Theo tính toán của chúng tôi, việc mua vé giá rẻ sẽ tiết kiệm 20-50% chi phí so với vé bình thường cho các công ty. Vé sẽ càng giảm nhiều hơn nếu các công ty có kế hoạch mua vé cho nhân viên càng sớm. Các công ty ký với VietJet Air đều là công ty tư nhân hay nước ngoài bởi họ coi việc tiết giảm chi phí lên hàng đầu. Tôi cũng từng gặp rất nhiều tổng giám đốc công ty lớn và quỹ đầu tư nước ngoài mặc comple, thắt caravat... có mặt trên máy bay VietJet Air nhưng lại ít khi thấy quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước. |
Trung Hiếu
>> Hai hãng hàng không cùng mở bán hàng ngàn vé giá rẻ
>> Vietnam Airlines bán vé giá rẻ
>> Kinh nghiệm “săn” vé giá rẻ
>> Jetstar Pacific tiếp tục mở bán 28 ngàn vé máy bay tết
>> Vietnam Airlines mở bán vé máy bay tết
>> Khách du lịch mua tour vé máy bay giá rẻ tăng mạnh
>> Rầm rộ tung vé máy bay giá rẻ: Có dễ mua?
Bình luận (0)