Chân dung Thủ khoa Nghĩa qua những tư liệu mới phát hiện:

Bước đường học nghiệp ít biết của cụ Thủ khoa

12/12/2023 07:17 GMT+7

Mặc dù ông Bùi Hữu Vi (có chỗ ghi là Bùi Hữu Vị) - thân sinh cụ Thủ khoa Nghĩa - chỉ là một người làm nghề hạ bạc (tức nghề đánh bắt thủy sản), cụ Thủ khoa vẫn được học hành đến nơi đến chốn.

THEO HỌC CỤ ĐỒ HOÀNH

Khi học lực của Bùi Hữu Nghĩa đã khá, thân phụ gửi cụ lên Biên Hòa, ở nhờ tại nhà ông Nguyễn Văn Lý ở làng Mỹ Khánh, tổng Chánh Mỹ Thượng. Ông Lý làm Bạch đàm Hộ trưởng, tức người đứng đầu quản lý và thu thuế các thợ thủ công làm nghề đan đệm trắng bằng lá buôn. Nguyễn Văn Nghĩa trong cuốn Văn chương và lịch sử cụ Thủ khoa Nghĩa và con là Bùi Hữu Tú xuất bản năm 1936 có nói rằng cụ lên Biên Hòa là "đặng dễ bề thọ giáo với ông đồ Hoành, một yếu nhơn của Lê Văn Khôi".

Bước đường học nghiệp ít biết của cụ Thủ khoa - Ảnh 1.

Tổng Chánh Mỹ Thượng trên bản đồ Biên Hòa năm 1881

Tư liệu

Còn theo lời của nhà báo Trực Thần (Nguyễn Trung Ngôn) trong bài Tiểu sử cụ Thủ khoa Nghĩa đăng trên tạp chí Tri Tân số 98 năm 1943 thì cùng làng Bình Thủy có nhà cự phú họ Ngô (có tư liệu ghi tên ông là Ngô Khắc Giản. Nhưng cái tên này có lẽ lấy từ tiểu thuyết Bùi Hữu Nghĩa: mối duyên vàng đá của Hoài Anh). Ông Ngô thấy cụ Thủ khoa thông minh, nên ngỏ ý nhờ cụ làm bạn đồng hành với con trai mình là Du đi Biên Hòa, để theo học đồ Hoành. Cả hai đã cùng ăn ở tại nhà ông Hộ trưởng Nguyễn Văn Lý. Vậy đồ Hoành là ai?

Lương Văn Lựu trong cuốn Biên Hòa sử lược toàn biên xuất bản năm 1973 nói rằng đồ Hoành tên là Nguyễn Phạm Hàm ở làng Mỹ Khánh (Tân Vạn - Chợ Đồn). Nhưng cố học giả Vương Hồng Sển có nói đến nhân vật đồ Hoành là một trong hai yếu nhân dưới trướng Lê Văn Khôi. Ông Vương cho biết: "Khôi có hai phó-tướng giúp sức, là ông Hoành (tú-tài) và ông Trấm. Hai người ăn ở ngang-tàng, ai ai cũng sợ họ. Ngày nay, mỗi khi gặp người quá ngoan-ngạnh, bực-tức quá thì người dân Sài-gòn Bà-Chiểu thường nói:

- Cha! Bộ nó là ông Hoành tái-thế sao mà?

- Mấy cha đó, đâu cũng là ông Hoành, ông Trấm chi đây!".

Ông Trấm, đúng ra là ông Trắm, chính là Nguyễn Văn Trắm, người tỉnh Hưng Yên, bị tội phát vãng vào Gia Định làm lính đội Hồi Lương. Sau khi Lê Văn Khôi nổi dậy chiếm cứ thành Phan Yên, Trắm giữ chức Tiền quân của quân nổi dậy. Sau khi Khôi ốm chết, Trắm phò con trai Khôi tiếp tục chiến đấu, trở thành người chỉ huy thực tế cho đến khi thành Phan Yên sụp đổ. Trắm cùng 5 yếu nhân khác bị giải về Huế xét xử. Đi đến Quảng Ngãi thì Trắm tự sát.

Một số truyền khẩu nói rằng cùng bị giải về Huế với Trắm còn có đồ Hoành. Nhưng các văn kiện chính thức của nhà Nguyễn lại không ghi nhận người nào như thế. Năm người cùng bị giải đi với Trắm là Tả quân Lê Bá Minh, Lưu Hằng Tín, Nguyễn Hựu Dự (bị đổi theo họ mẹ, thành Đỗ Văn Dự), Lê Văn Vượn (con trai Lê Văn Khôi) và giáo sĩ Marchand. Tuy vậy, trong số các yếu nhân của quân nổi dậy có một người mang biệt danh là Hoành, đó là Đặng Vĩnh Ưng.

Minh đô sử của Nguyễn Trọng Hàm cho biết Đặng Vĩnh Ưng người làng Nam Hoa, huyện Thanh Chương, Nghệ An, đỗ Cử nhân khoa Quý Dậu (1813). Có điều, tra cứu trong Quốc triều hương khoa lục lại không thấy chép có ai là Đặng Vĩnh Ưng từng thi đỗ cả. Phải chăng triều đình nhà Nguyễn đã xóa bỏ thông tin đỗ đạt của Đặng Vĩnh Ưng? Sử sách triều Nguyễn chỉ ghi nhận rằng trước khi nổi dậy, Đặng Vĩnh Ưng là Phó quản cơ Thanh Thuận. Đây là cơ binh được thành lập dựa trên những quân nổi dậy có quê quán ở tỉnh Quảng Ngãi, ra hàng Tả quân Lê Văn Duyệt hồi năm 1819. Sau khi binh biến Phan Yên nổ ra, theo sự dò thám của các quan triều đình, "tên Hoành tức Đặng Vĩnh Ưng làm Lại bộ Thái khanh". Đặng Vĩnh Ưng cùng Đinh Hồng Phiên đã giúp Lê Văn Khôi soạn hịch gửi dân chúng Nam kỳ, tuyên bố khôi phục nhà Lê và báo thù cho Tả quân Lê Văn Duyệt. Triều đình nhà Nguyễn từng đem cha của Đặng Vĩnh Ưng tới ngoài lũy vây để kêu gọi Đặng Vĩnh Ưng đầu hàng, thậm chí còn sai người mang thư vào trong thành. Đặng Vĩnh Ưng nhất quyết không nhận thư, còn nói cha mình đã ngoài 80 tuổi, quân triều đình muốn làm gì thì làm. Cha Đặng Vĩnh Ưng cuối cùng bị chém ở ngoài thành. Đầu năm 1834, Đặng Vĩnh Ưng - lúc này đã lên chức Bảo hộ của quân nổi dậy - chết vì bệnh ở trong thành Phan Yên bị bao vây.

Nhân vật đồ Hoành mà Nguyễn Văn Nghĩa nói tới rất có thể là Đặng Vĩnh Ưng. Đặng Vĩnh Ưng từng đỗ Cử nhân, lại là người Nghệ An. Trong giới học tập thời đó, đồ Nghệ (tức thầy giáo gốc Nghệ An) là bảo chứng cho chất lượng giảng dạy. Địa vị của Đặng Vĩnh Ưng cũng không quá cao, khá phù hợp cho người có xuất thân bình thường như cụ Thủ khoa theo học tập.

Bước đường học nghiệp ít biết của cụ Thủ khoa - Ảnh 2.

Phong cảnh sông Đồng Nai đầu triều Nguyễn

Tư liệu

THI ĐỖ TÚ TÀI

Các nhà nghiên cứu tiểu sử cụ Thủ khoa đều thống nhất nói rằng cụ tỏ ra là người chăm chỉ, tiến bộ vượt bậc so với các bạn. Nhưng điều chúng ta ít biết là trước khi đỗ thủ khoa kỳ thi Hương năm 1835, cụ đã từng đỗ Tú tài, nhưng không rõ khoa nào. Tú tài là người thi Hương đã đỗ được ba trường nhưng chưa qua được trường thứ tư. Danh xưng Tú tài mới được vua Minh Mạng thiết lập từ năm 1828 (trước đó vẫn theo triều Lê gọi là Sinh đồ). Khâm định tiễu bình lưỡng kỳ nghịch phỉ phương lược chính biên đã ghi nhận học vị đó của cụ Thủ khoa từ giữa năm 1833. Trong khoảng 1828 - 1833 chỉ có hai khoa: khoa thi năm Mậu Tý 1828 và khoa thi năm Ất Mão năm 1831. Dù cho thi đỗ Tú tài khoa nào thì lúc bấy giờ cụ Thủ khoa cũng chỉ mới hơn 20 tuổi. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.