Bước ngoặt chuyển hướng của 'bộ tứ an ninh'

26/09/2021 08:16 GMT+7

Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên diễn ra rạng sáng qua (25.9 theo giờ Việt Nam), “ bộ tứ an ninh ” gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ đã cho thấy sự chuyển hướng quan trọng trong việc đối phó với Trung Quốc .

Diễn ra tại Nhà Trắng (thủ đô Washington D.C, Mỹ), hội nghị thượng đỉnh có sự tham gia của Tổng thống chủ nhà Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hồi tháng 3 vừa qua, 4 vị lãnh đạo này cũng đã có hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm nhưng diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Giải pháp toàn diện

Ngay sau khi hội nghị kết thúc, phía Mỹ đã phát đi tuyên bố của hội nghị. Theo đó, “bộ tứ” tái khẳng định nền tảng lợi ích chung là sự thịnh vượng và an ninh chung cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở, đồng thời cũng có tính bao trùm và có khả năng phục hồi.

“Bộ tứ” nói gì về Biển Đông ?

Chúng tôi cũng nhận ra rằng tương lai chung của chúng tôi sẽ được viết ở Indo-Pacific và chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để đảm bảo “bộ tứ” là lực lượng vì hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng trong khu vực.
Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt như các quy tắc trong Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, để đối phó các thách thức đối với trật tự dựa trên quy tắc hàng hải, bao gồm ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Chúng tôi khẳng định sự hỗ trợ đối với các quốc đảo nhỏ, đặc biệt là các quốc đảo ở nam Thái Bình Dương, nhằm tăng cường khả năng phục hồi về kinh tế và môi trường của họ.
(Trích tuyên bố chung của “bộ tứ”)
Theo đó, tuyên bố chung cũng đã thể hiện ủng hộ đối với sự đồng thuận và vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, cũng như Tầm nhìn của ASEAN về Indo-Pacific. “Bộ tứ” cũng ủng hộ chiến lược hợp tác của EU ở Indo-Pacific mà Hội đồng EU vừa công bố vào ngày 16.9.
Tuyên bố chung cũng đưa ra các chương trình ứng phó đại dịch Covid-19, cụ thể như phối hợp viện trợ vắc xin ngừa Covid-19 trong năm nay và năm sau. Ấn Độ phụ trách sản xuất vắc xin, còn Mỹ cùng với Nhật và Úc sẽ cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho các nước.

Lãnh đạo bộ tứ Mỹ - Nhật - Ấn - Úc tuyên bố gì ở hội nghị thượng đỉnh đầu tiên?

Về khoa học công nghệ, 4 nước trên cam kết phối hợp nghiên cứu để cùng nhau nỗ lực chấm dứt đại dịch, xây dựng an ninh y tế tốt hơn; hợp lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu; thiết lập sự hợp tác về các công nghệ quan trọng và mới nổi; thúc đẩy triển khai các mạng công nghệ di động thế hệ 5G một cách an toàn và minh bạch; phối hợp tạo điều kiện cho hợp tác công tư để đảm bảo an ninh mạng; lập bản đồ chuỗi cung ứng các công nghệ và vật liệu quan trọng, bao gồm cả chất bán dẫn; đồng thời khẳng định cam kết đối với các chuỗi cung ứng công nghệ quan trọng…
Về hỗ trợ hạ tầng chung, tuyên bố của “bộ tứ” tái khẳng định nguyên tắc đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng của G20 và sẽ thúc đẩy cung cấp cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao ở Indo-Pacific, tiếp tục gắn bó với chương trình Mạng lưới điểm xanh để xây dựng và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng. Ngoài ra, “bộ tứ” còn triển khai chương trình học bổng sau đại học về lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).
Đặc biệt, “bộ tứ” khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh ở Indo-Pacific cũng như sự cần thiết đảm bảo luật pháp quốc tế ở khu vực này, nhất là đối với các vùng biển trong khu vực.
Trả lời Thanh Niên, TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao - Tổ chức RAND, Mỹ) đánh giá: “Tuyên bố chung chứng minh Mỹ - Nhật - Úc - Ấn Độ nhận thấy sự hợp tác hữu ích để cân bằng trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Bất chấp sự khác biệt giữa 4 thành viên, có một động lực mạnh mẽ để duy trì và mở rộng sự hợp tác của nhóm”.

Không chỉ là liên kết quân sự

Cùng ngày 25.9, trả lời Thanh Niên về tuyên bố chung của “bộ tứ”, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, và đang giảng dạy tại Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) đánh giá: “Thông điệp chiến lược rất quan trọng. Khi Trung Quốc và nhiều nước khác tập trung vào hợp tác quân sự của “bộ tứ” thì tuyên bố lần này cho thấy Mỹ - Úc - Nhật - Ấn còn có nhiều lĩnh vực hơn thế”.

Cam kết lâu dài

Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp lần này cho thấy “bộ tứ”, nhóm các quốc gia có cùng chí hướng không chính thức, đang chuyển hướng chiến lược Indo-Pacific tự do và rộng mở như thế nào. Nhóm đang giải quyết ở cấp độ với đối thoại chiến lược. Những nỗ lực mới trong lĩnh vực không gian và không gian mạng và nâng tầm tiến bộ từng có của khu vực, mở ra con đường hợp tác với Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực.
Chương trình cung cấp học bổng nghiên cứu cho thấy cam kết lâu dài trong việc xây dựng hợp tác khoa học công nghệ sẽ giúp đạt được nhiều sản phẩm công rộng rãi hơn.
TS Patrick Cronin (Chủ tịch Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ)
“4 nước trên không phải tập trung tạo ra như một liên minh quân sự, mà là một hiệp hội hợp tác tìm cách phối hợp hợp tác ngoại giao, kinh tế và khoa học để giải quyết các vấn đề quan trọng nhất mà các nước trong nhóm cũng như khu vực Indo-Pacific đang phải đối mặt. Cụ thể, 5 vấn đề mà các nhà lãnh đạo đã thảo luận trong cuộc họp mới nhất này bao gồm ứng phó với đại dịch, hỗ trợ ASEAN và các chính sách của khối và pháp quyền; hợp tác khoa học và công nghệ, các hành động và chính sách phối hợp trong lĩnh vực phòng thủ không gian và mạng”, cựu đại tá Schuster nói.
Ông cũng đánh giá thêm: “Các nhà lãnh đạo của “bộ tứ” đã chứng minh rằng nhóm này không chỉ quan tâm về an ninh truyền thống hay Trung Quốc, mà là toàn bộ các mối quan tâm về sinh học, ngoại giao, môi trường và công nghệ mà tất cả họ đều quan tâm”.
Phân tích khi trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Châu Á Thái Bình Dương, Nhật Bản) chỉ ra: “Các công nghệ quan trọng và mới nổi được xác định là trụ cột mới quan trọng thứ 3 của tuyên bố này. Không đề cập rõ ràng đến Trung Quốc trong tuyên bố chung, nhưng tuyên bố chung ngầm nói về một quy chế kinh tế chung của 4 nước để cạnh tranh với Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao. Trái ngược với sự nhấn mạnh trước đây của Mỹ về chủ nghĩa tư bản không can thiệp, tuyên bố chung giờ thừa nhận “tầm quan trọng của các biện pháp hỗ trợ của chính phủ và các chính sách minh bạch và định hướng thị trường”.

Tăng cường đa phương

Sáng kiến bền vững

Các nhà lãnh đạo của “bộ tứ” đã củng cố quan hệ hợp tác thông qua cuộc họp trực tiếp nhằm tái thực thi cam kết chung trong việc cung cấp hàng hóa công cộng cho khu vực Indo-Pacific.
Với những sáng kiến cụ thể hơn đang được triển khai và sự công nhận rằng thỏa thuận AUKUS (liên minh Mỹ - Anh - Úc được công bố vào ngày 15.9 - NV) đã giúp các bên liên quan trong khu vực sẽ tin tưởng hơn rằng “bộ tứ” sẽ là một sáng kiến bền vững gắn kết với các bên liên quan của khu vực, đồng thời tập trung rõ ràng vào việc đẩy lùi hành vi gây quan ngại.
PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế, Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật)
Cách tiếp cận không chỉ tập trung vào an ninh và quân sự được đánh giá sẽ đem lại tính khả thi cao trong việc “bộ tứ” kết nối với các nước khác, để các đối tác không rơi vào tình thế phải “chọn phe” và đối đầu với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Washington cùng 3 thành viên còn lại của “bộ tứ” cũng tăng cường hợp tác với nhiều bên nhằm tăng cường hiệu quả từ lợi ích chung.
“Nhìn chung, tuyên bố nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương là đáng chú ý. Sự ủng hộ của “bộ tứ” đối với sự thống nhất và trung tâm của ASEAN và Quan điểm ASEAN về Indo-Pacific cũng được “bộ tứ” ủng hộ bởi sự hợp tác “thiết thực và bao trùm”. Hoan nghênh Chiến lược hợp tác của EU ở Indo-Pacific, đưa EU vào phạm vi tiếp cận đa phương của “bộ tứ”, theo GS Sato.

Và thách thức

Tuy nhiên, GS Sato cũng đặt vấn đề: “Tuyên bố chung cũng đề cập rõ ràng chất bán dẫn là một trong những công nghệ quan trọng và phản ánh hy vọng mạnh mẽ của Ấn Độ trong việc chuyển hướng sản xuất chất bán dẫn từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Tuy nhiên, làm thế nào để quản lý sự phụ thuộc lẫn nhau trong lĩnh vực này, vốn đã bao gồm các công ty bán dẫn Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Đài Loan kinh doanh với Trung Quốc, vẫn chưa được tìm ra”.
“Hơn nữa, nỗ lực của “bộ tứ” nhằm dẫn đầu các tiêu chuẩn toàn cầu về đổi mới có thể sẽ gặp phải những thách thức về bất đồng nội bộ giữa các thành viên, cũng như sự cạnh tranh từ bên ngoài như EU. Đó là một tuyên bố mang nhiều sắc thái hơn so với những biểu hiện chiến lược trước đây của Mỹ, vốn chỉ tập trung vào cạnh tranh quân sự với Trung Quốc”, ông nhận xét.
Trong khi đó, đánh giá về tương lai, TS Timothy R.Heath nhận định: “Trong tương lai, tôi kỳ vọng “bộ tứ” sẽ tăng cường hợp tác trên nhiều chủ đề bao gồm các cuộc tập trận quân sự, công nghiệp, cơ sở hạ tầng, y tế và công nghệ. Đến nay bộ tứ vẫn chưa phải là một hiệp ước chính thức và tôi không nghĩ rằng họ sẽ biến thành một “NATO châu Á”, vì các thành viên không muốn có mối quan hệ đối đầu với Trung Quốc. Mỗi bên đều muốn cân bằng chống lại Bắc Kinh, nhưng cũng duy trì quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.