Cụ thể, theo nguồn tin trên, tuyên bố chung sẽ sử dụng ngôn từ cứng rắn hơn trước đây khi đề cập tình hình ở các vùng biển mà Trung Quốc đang đẩy mạnh yêu sách lãnh thổ, đặc biệt là ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Thực tế, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã liên tục đẩy mạnh các biện pháp đối phó Trung Quốc. Chưa đầy 10 ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của “bộ tứ”, Mỹ cùng với Anh và Úc ngày 15.9 công bố thành lập liên minh AUKUS ứng phó tình hình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo thỏa thuận từ AUKUS, Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Úc sở hữu hạm đội tàu ngầm hạt nhân. Động thái này sẽ tạo nên một áp lực mới đến từ phía nam Thái Bình Dương đối với Trung Quốc. Qua đó, Washington đã hình thành nên thế trận nhiều mũi giáp công từ các căn cứ ở Nhật, Hawaii, đảo Guam và từ nước Úc nhằm vào Trung Quốc.
Chính vì thế, sau khi tái bố trí thế trận quân sự, việc “bộ tứ” dự kiến đưa ra tuyên bố chung mạnh mẽ có thể là một đòn quan trọng hình thành nên sức ép ngoại giao trên trường quốc tế đối với Trung Quốc. Kèm theo đó, nhiều khả năng Washington và các đồng minh, đối tác sẽ còn công bố bước chuyển quan trọng trong chính sách kinh tế chung nhằm tạo thêm sức ép khác với Bắc Kinh.
Bình luận (0)