Bước ngoặt liên minh kinh tế Mỹ - Đài Loan

25/11/2021 07:35 GMT+7

Quan hệ kinh tế Mỹ và Đài Loan vừa có thêm bước tiến mới, hàm chứa các hợp tác có vai trò quan trọng trong việc đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc .

Hôm qua (24.11, theo giờ Việt Nam), Bộ Ngoại giao Mỹ phát thông cáo về kết quả Đối thoại Đối tác kinh tế thịnh vượng Mỹ - Đài Loan (EPPD) vừa diễn ra giữa hai bên. Đây là lần 2 diễn ra EPPD Washington - Đài Bắc sau khi lần đầu được tổ chức hồi năm ngoái theo sáng kiến của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Phối hợp đối đầu Trung Quốc

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, EPPD lần này diễn ra vào ngày 22.11 có nội dung thảo luận sâu rộng về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, chống lại sự ép buộc kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số, tăng cường an ninh mạng 5G và thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ. Hai bên cũng nhất trí hợp tác thúc đẩy sản xuất chip bán dẫn tại Mỹ.

Mỹ và Đài Loan đang đẩy mạnh hợp tác về kinh tế

Reuters

Trả lời Thanh Niên ngày 24.11, TS Fabrizio Bozzato, chuyên gia về chính trị Đông Á - Viện Nghiên cứu chính sách đại dương thuộc Tổ chức Hòa bình Sasakawa (Nhật) - đồng thời có nhiều năm nghiên cứu tại Đài Loan, đánh giá năm 2021 đã đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn “xây dựng hướng tới tốt đẹp hơn” trong quan hệ kinh tế giữa Mỹ với Đài Loan khi hai bên nối lại các cuộc đàm phán Thỏa thuận khung thương mại và đầu tư (TIFA).

“Washington ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò của Đài Bắc đối với sự ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), và Đài Bắc còn là một bên đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu”, theo TS Bozzato. Điển hình với ngành bán dẫn, khi đây là “đấu trường sống còn” giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh.

Đây cũng chính là chủ đề hợp tác của “bộ tứ an ninh” gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc. Sau hội nghị thượng đỉnh hồi cuối tháng 9, “bộ tứ” đã đưa ra thông cáo chung thỏa thuận hướng tới việc tạo ra một chuỗi cung ứng an toàn cho chất bán dẫn. Trong khi đó, Đài Loan lại là một nền kinh tế có thế mạnh về công nghệ chip bán dẫn, nên Washington rất cần sự đóng góp của Đài Bắc trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng cho chip bán dẫn.

Liên quan vấn đề này, tờ Nikkei Asia ngày 22.10 đưa tin Tokyo vừa đạt được thỏa thuận hỗ trợ hàng tỉ USD cho TSMC (Đài Loan), vốn là nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới, xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Nhật. TSMC cũng đang xúc tiến xây dựng nhà máy sản xuất chip có tổng mức đầu tư đến 12 tỉ USD tại Mỹ.

Đôi bên cùng có lợi

Bên cạnh đó, TS Bozzato chỉ ra: “Trong Sách trắng về Đài Loan năm 2021, được xuất bản vào tháng 6 vừa qua, Phòng Thương mại Mỹ tại Đài Bắc đề xuất Sáng kiến ​​thương mại Đài Loan gồm 6 nền tảng quan trọng để có thể đạt được một hiệp định thương mại song phương toàn diện. Trong đó, bước đầu tiên là tái khởi động các cuộc đàm phán TIFA và bước thứ 2 là mở rộng EPPD”.

TSMC cũng đang xúc tiến xây dựng nhà máy sản xuất chip có tổng mức đầu tư đến 12 tỉ USD tại Mỹ.

REUTERS

Theo ông, các vòng đàm phán EPPD có tầm quan trọng và mang tính chiến lược trong quan hệ hai bên và đặc biệt là đối với chính sách Indo-Pacific của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden. Các vòng EPPD mang lại động lực tiến tới một hiệp định thương mại song phương. Đổi lại, EPPD còn rất cần thiết - dù chưa đủ - để trở thành bước đệm đưa Đài Loan tham gia các cuộc đàm phán kinh tế đa phương nhằm khẳng định vị thế trước Bắc Kinh.

“Washington có thể tiếp tục đưa Đài Loan vào các cuộc thảo luận với Nhật Bản và các quốc gia có cùng quan điểm liên quan thương mại kỹ thuật số, kiểm soát xuất khẩu, an ninh mạng và các vấn đề khác mà Đài Loan có thể đóng góp”, TS Bozzato dự báo.

Rào cản giữa Washington - Đài Bắc

Từ tháng 6, chính quyền của Tổng thống Biden đã nối lại các cuộc đàm phán TIFA với Đài Loan sau 5 năm gián đoạn là một bước phát triển rất quan trọng. Kể từ giữa những năm 1990, “các cuộc đàm phán TIFA”, thường được tổ chức hằng năm, đã được chứng minh là một phương tiện hữu ích để giải quyết những khác biệt về chính sách giữa hai bên và đặt nền tảng cho sự hợp tác sâu hơn.

Việc các cuộc đàm phán TIFA bị đình chỉ có một phần nguyên nhân là do Đài Loan hạn chế nhập khẩu một số sản phẩm thịt heo của Mỹ. Dự kiến ngày 18.12, người dân Đài Loan sẽ tham gia bỏ phiếu vào 4 vấn đề xã hội, trong đó có nội dung về cấm nhập thịt heo của Mỹ, do Quốc dân Đảng (KMT) - đảng đối lập chính của Đài Loan khởi xướng. Cuộc bỏ phiếu có thể là một trở ngại, nhưng đây không phải là rào cản mà Washington và Đài Bắc không thể vượt qua, khi hai bên cùng chia sẻ nhiều thách thức chung.

TS Fabrizio Bozzato

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.