Bước ngoặt mới ở Đài Loan

Khánh An
Khánh An
13/01/2024 07:09 GMT+7

Cử tri Đài Loan hôm nay bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới kế nhiệm bà Thái Anh Văn, cùng các thành viên Lập pháp viện nhiệm kỳ mới.

Hơn 19,5 triệu cử tri Đài Loan hôm nay 13.1 bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới và các thành viên Lập pháp viện, trong cuộc bầu cử được theo dõi sát sao bởi Trung Quốc đại lục và các bên khác.

Theo Đài CNA, lần bầu cử lãnh đạo này là cuộc đua tam mã, nhằm chọn người kế nhiệm sau khi bà Thái Anh Văn thuộc đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền sẽ mãn nhiệm vào tháng 5 và không được tái tranh cử do đã lãnh đạo 2 nhiệm kỳ. Những tháng qua, quá trình tranh cử diễn ra quyết liệt khi các ứng viên vận động đến tận tối 12.1.

Bước ngoặt mới ở Đài Loan- Ảnh 1.

Từ trái qua: Các ứng viên Lại Thanh Đức, Hầu Hữu Nghi và Kha Văn Triết

AFP

Giới quan sát cho rằng những vấn đề then chốt ảnh hưởng lá phiếu là mối quan hệ với Bắc Kinh, chủ trương kinh tế và chính sách đối với giới trẻ. Đại diện đảng Dân tiến là ông Lại Thanh Đức (65 tuổi), người trở thành phó lãnh đạo Đài Loan cách đây 4 năm khi liên danh với bà Thái. Theo AFP, ông Lại thẳng thắn hơn về chuyện độc lập của Đài Loan, vấn đề được xem là lằn ranh đỏ của Trung Quốc đại lục.

Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc Trần Ban Hoa chỉ ra rằng các phát biểu của ông Lại cho thấy nếu đắc cử, ông này sẽ thúc đẩy vấn đề "độc lập của Đài Loan" và gây tình hình nguy hiểm cho eo biển Đài Loan. Ông Lại trước đó cam kết ủng hộ "không nao núng" nhằm duy trì hiện trạng eo biển Đài Loan và tuyên bố sẵn sàng mở cửa trao đổi và hợp tác với Bắc Kinh "với điều kiện bình đẳng và tôn trọng". Ngoài ra, ông còn cam kết tăng lương, giảm thuế và xây thêm nhà ở xã hội.

Đại diện Quốc dân đảng (KMT) là ứng viên Hầu Hữu Nghi (67 tuổi), cựu cảnh sát trưởng và cựu Thị trưởng TP.Tân Bắc. Ông Hầu - ứng viên đảng đối lập Đài Loan và thân Bắc Kinh - mô tả cuộc bầu cử lần này là sự lựa chọn giữa "chiến tranh và hòa bình", đồng thời nói rằng sự nghiệp thực thi pháp luật 3 thập niên sẽ giúp ông "bảo vệ Đài Loan". "Tôi có thể duy trì hòa bình xuyên eo biển Đài Loan và sẽ làm hết sức để tránh chiến tranh, giúp mọi người có một cuộc sống yên bình", ông phát biểu. Ứng viên này chỉ trích DPP về cái mà ông gọi là "nền kinh tế tồi tệ nhất trong 14 năm", đồng thời cam kết đàm phán với Bắc Kinh trong thời gian sớm nhất về các vấn đề liên quan thỏa thuận thương mại xuyên eo biển.

Bên thứ 3 tranh cử lần này là đảng Dân chúng (TPP) với đại diện là ứng viên Kha Văn Triết (65 tuổi). Ông Kha là cựu phẫu thuật gia và là ứng viên độc lập đầu tiên đắc cử Thị trưởng Đài Bắc vào năm 2014. Theo tờ The Washington Post, giới phân tích cho rằng nhiều cử tri dưới 40 tuổi vốn đã chán chuyện tranh cãi xoay quanh vấn đề mối quan hệ với Bắc Kinh giờ đây muốn các chính trị gia tập trung nhiều hơn vào các vấn đề hằng ngày như lạm phát, trì trệ tiền lương, giá nhà tăng, biến đổi khí hậu, quyền nuôi con của các cặp đồng tính... Theo giới quan sát, ông Kha tuyên bố có thể đem lại cách tiếp cận thực tế cho các vấn đề nội bộ và thách thức kinh tế của Đài Loan, nhưng lại thiếu kinh nghiệm về các mối quan hệ quốc tế. 

Những cuộc bầu cử sẽ định hình thế giới năm 2024

Mỹ sẽ cử phái đoàn đến Đài Loan

Theo CNN dẫn lời giới chức cấp cao Mỹ, Tổng thống Joe Biden sẽ cử một phái đoàn không chính thức đến Đài Loan sau cuộc bầu cử trên hòn đảo. Phái đoàn dự kiến có các cựu quan chức cấp cao nhưng chưa rõ thành phần cụ thể. Tân Hoa xã ngày 11.1 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói rằng cuộc bầu cử ở khu vực Đài Loan thuần túy là việc nội bộ của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Mỹ không can thiệp bầu cử tại khu vực Đài Loan bằng bất kỳ hình thức nào. Trong cuộc họp báo hôm qua, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố quân đội nước này sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đập tan các âm mưu đòi "Đài Loan độc lập" dưới mọi hình thức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.