Bước ngoặt mới trên chính trường Pakistan

Khánh An
Khánh An
11/04/2022 09:10 GMT+7

Thủ tướng Pakistan Imran Khan bị phế truất sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, mở đường cho sự trở lại của nhà Sharif kèm dự báo về nhiều thay đổi.

Hạ viện Pakistan hôm nay (11.4) sẽ bầu thủ tướng mới sau khi phế truất ông Imran Khan (70 tuổi) tại cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 9.4, theo tờ Dawn. Với 174/342 phiếu bất tín nhiệm tại phiên họp kéo dài 13 giờ (kết quả được công bố rạng sáng 10.4), ông Khan phải kết thúc sự nghiệp lãnh đạo quốc gia Nam Á.

Thất bại của cựu ngôi sao

Kể từ khi độc lập năm 1947 đến nay, chưa thủ tướng Pakistan nào phục vụ trọn vẹn một nhiệm kỳ nhưng ông Khan là người đầu tiên bị mất chức sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ông Khan từng thành công trong vai trò đội trưởng đội tuyển bóng gậy quốc gia Pakistan, nhưng lại bị rơi vào thế khó khi lãnh đạo đất nước, theo AFP. Tòa án Tối cao Pakistan hôm 7.4 bác bỏ quyết định giải tán quốc hội để bầu cử sớm của ông Khan vì cho rằng động thái đó vi hiến, đồng thời triệu tập quốc hội để bỏ phiếu tín nhiệm, dẫn đến việc ông bị phế truất. Sự thất bại của ông được cho là do thiếu sự ủng hộ của các bên trong liên minh và bị chỉ trích liên quan tình hình kinh tế của đất nước, cũng như việc ông chưa thực hiện một số cam kết trước khi đắc cử hồi năm 2018.

Ông Imran Khan (trái) và lãnh đạo đối lập Shehbaz Sharif

AFP

Khi đó, đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (Phong trào vì công lý-PTI) của ông được bầu bởi hàng triệu người xem ông dẫn dắt đội tuyển bóng gậy Pakistan giành ngôi vô địch Cúp thế giới năm 1992. Sau nhiều thập niên với sự nổi bật của 2 đảng đối lập gồm đảng Nhân dân Pakistan (PPP) và đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N), người dân trông đợi vào tầm nhìn của ông Khan với những viễn cảnh tích cực cho đất nước. Tuy nhiên, tình hình tài chính thiếu cải thiện, trong khi lạm phát tăng phi mã, nợ nần và đồng rupee yếu ảnh hưởng cải cách kinh tế. Pakistan phải vay mượn trong tình hình nợ nước ngoài gần 130 tỉ USD. Bên cạnh đó, tình hình an ninh cũng xảy ra nhiều vấn đề, nhất là khi Taliban trở lại nắm quyền tại Afghanistan vào năm ngoái. Dù vậy, ông Khan được ghi nhận đã giúp Pakistan ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí do ông khởi xướng đang triển khai dần trên cả nước.

Sự trở lại của nhà Sharif ?

Giới quan sát dự báo nhân vật sáng giá cho chức thủ tướng là ông Shehbaz Sharif (71 tuổi), lãnh đạo đảng PML-N đối lập và là em trai của ông Nawaz Sharif, người từng 3 lần giữ chức Thủ tướng Pakistan. “Một bình minh mới đang bắt đầu. Liên minh này sẽ tái thiết Pakistan”, ông Shehbaz Sharif phát biểu sau khi ông Khan bị phế truất.

Ông Shehbaz Sharif từng nhiều lần giữ chức thủ hiến tỉnh Punjab, quê nhà của dòng họ Sharif. Reuters dẫn lời giới phân tích cho rằng không như anh trai, ông có mối quan hệ thân mật với quân đội vốn kiểm soát các chính sách quốc phòng và đối ngoại tại quốc gia có vũ khí hạt nhân này. Giới tướng lĩnh Pakistan từng 3 lần trực tiếp can thiệp, lật đổ chính phủ. Khi còn là Thủ hiến Punjab, ông Shehbaz Sharif nổi tiếng với phong cách lãnh đạo trực tiếp và “có thể làm được” trong mọi việc. Ông từng phối hợp chặt chẽ với phía Trung Quốc trong các dự án do Bắc Kinh đầu tư. Năm ngoái, giới chức Trung Quốc ca ngợi “Tốc độ Punjab” của ông khi triển khai các dự án dưới Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPAC). Mặt khác, trả lời phỏng vấn mới đây, ông cho rằng mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ là quan trọng với Pakistan, trái với quan điểm của ông Khan vốn cứng rắn với Washington.

Nếu đảm nhiệm vị trí thủ tướng, ông Shehbaz Sharif sẽ lập tức đối diện hàng loạt thách thức như lạm phát cao, đồng nội tệ biến động và dự trữ ngoại hối giảm nhanh. Giới phân tích còn cho rằng khi đó ông sẽ không thể độc lập hoàn toàn mà sẽ phải theo chương trình phối hợp với các đảng đối lập khác.

Pakistan thử tên lửa đạn đạo

Quân đội Pakistan vừa xác nhận thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo đất đối đất Shaheen-III, theo báo Dawn hôm qua dẫn thông cáo của Cơ quan Quan hệ công chúng liên quân (ISPR) thuộc quân đội nước này. “Cuộc phóng thử nhằm xác nhận nhiều thông số khác nhau về thiết kế và kỹ thuật của hệ thống vũ khí”, thông cáo cho biết. Shaheen-III có tầm bắn 2.750 km, dùng nhiên liệu rắn và trang bị hệ thống điều chỉnh độ cao sau khi đầu đạn đã tách rời (PSAC). Nhiên liệu rắn thích hợp với năng lực ứng phó nhanh, còn PSAC giúp điều chỉnh đường bay để đầu đạn chính xác hơn và tránh được những hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường. Shaheen-III được thử nghiệm lần đầu vào tháng 3.2015.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.