Ngày 22.9, tại TP.HCM, Báo Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức Diễn đàn "Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Đưa sản phẩm OCOP ra nước ngoài
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Việt Nam hiện có hơn 10.000 sản phẩm OCOP (mỗi xã phường một sản phẩm). Các trung tâm OCOP đang hình thành, nhiều doanh nghiệp chú trọng liên kết với các địa phương trong tiêu thụ OCOP là những tín hiệu tích cực. Bộ NN-PTNT đang định hướng kết nối với các Đại sứ quán để đưa sản phẩm OCOP ra nước ngoài và sẽ tổ chức hội chợ OCOP tại châu Âu. Bộ cũng xác định phát triển sản phẩm OCOP Việt Nam cần 3 yếu tố. Thứ nhất, phát huy thế mạnh địa phương để nâng cao giá trị, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Thứ hai, liên kết giữa các hộ, các cơ sở để hình thành vùng sản xuất, tạo thành sức mạnh, ứng phó với áp lực cơ chế thị trường. Thứ ba, thương hiệu sản phẩm OCOP ở nông thôn có giá trị lớn mà chưa được nhìn nhận đúng mực.
Ở đâu cũng sản xuất được, bánh Pía có còn là đặc sản của Sóc Trăng?
Bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn truyền thông và sự kiện Cánh Cam nhận định, sản phẩm OCOP ở Việt Nam tuy đa dạng nhưng chưa có tính đặc trưng. Ở góc nhìn của nhà lữ hành, ngành du lịch xanh đang phát triển, đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân nhưng thực tế vẫn chưa phát triển như tiềm năng vì nhỏ lẻ, manh mún và có nhiều sự trùng lặp giữa sản phẩm OCOP. "Để phát triển, mỗi địa phương phải có một sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng và cần thêm nhiều những ý tưởng, sáng kiến mới trong lĩnh vực này", bà Ly nói.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Saigon Asset, phân tích: Chúng ta hiện có hơn 10.000 sản phẩm OCOP. Đây là cơ sở rất tốt để phát triển các tour tuyến du lịch nông thôn. Tuy nhiên, để phát triển thành sản phẩm du lịch thì có 4 yếu tố cần quan tâm.
Thứ nhất, sản phẩm OCOP là đặc thù của từng địa phương, nhưng khi đã phát triển hơn 10.000 sản phẩm thì việc trùng lặp các sản phẩm đang diễn ra khá nhiều. Ví dụ, quả bưởi da xanh, xuất phát đầu tiên ở Bến Tre nhưng khi tới miền Trung cũng được nhận là đặc sản. Ở góc độ làm du lịch, khi giới thiệu đây là sản phẩm đặc sản của địa phương thì khách hàng nói sản phẩm nơi này nơi kia cũng có. Do đó, cần có bước đánh giá cụ thể hơn, chọn lọc kỹ lưỡng hơn nữa để sản phẩm OCOP thật sự là đặc sản mang tính đặc thù của địa phương đó, tạo thuận lợi hơn để phát triển du lịch nông thôn địa phương đó.
Thứ hai, sản phẩm OCOP mang tính thủ công nhưng khi sản xuất công nghiệp đại trà thì làm mất tính đặc thù thủ công của địa phương đó. Ví dụ, bánh pía Sóc Trăng có từ lâu đời, nhưng khi được sản xuất công nghiệp thì đang có mặt ở rất nhiều nơi, nhiều kênh phân phối khác nhau. Nếu muốn phát triển du lịch gắn với sản phẩm bánh pía cần phát triển cơ sở làng nghề thủ công. Giữ nguyên một số sản phẩm đặc thù riêng biệt cho nguyên địa phương đó.
Thứ ba, các tour tuyến đã hợp tác với nhiều đơn vị sản xuất OCOP. Ban đầu, khi các đơn vị này chưa có thương hiệu, họ khá cởi mở khi hợp tác với công ty. Nhưng khi có thương hiệu rồi lại muốn tách ra hoặc phá vỡ hợp tác. Vì vậy, cần có cơ chế để đảm bảo tính bền vững hợp tác giữa các công ty du lịch nông thôn và các đơn vị địa phương.
Thứ tư, khi phát triển ở các địa phương, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu đặc trưng như thế nào để phát triển tour tuyến. Các tour tuyến du lịch thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP và ngược lại sản phẩm OCOP là yếu tố thúc đẩy phát triển tour tuyến địa phương đó. Tuy nhiên, nhiều công ty du lịch đang chưa quan tâm đến chất lượng sản phẩm OCOP mà quan tâm nhiều hơn đến "hoa hồng" là bao nhiêu, dẫn đến mất niềm tin của khách sử dụng.
Bình luận (0)