Bưởi, dừa và một loạt rau quả sắp xuất ngoại

Chí Nhân
Chí Nhân
03/08/2024 05:25 GMT+7

Quả bưởi tươi vừa được Hàn Quốc cấp phép, dừa tươi đã hoàn thành khâu đàm phán kỹ thuật với Trung Quốc; nhiều loại rau quả khác cũng đang trong quá trình mở cửa ở nhiều thị trường khác nhau.

Rau quả rộng cửa đến Đông Bắc Á

Ông Lương Ngọc Quang, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết: Công tác mở cửa thị trường của VN thời gian gần đây đón nhận nhiều thông tin tích cực. Cụ thể, sau xoài và thanh long thì Hàn Quốc vừa chính thức cấp phép nhập khẩu quả bưởi tươi của VN vào ngày 30.7.

Bưởi, dừa và một loạt rau quả sắp xuất ngoại- Ảnh 1.

Bưởi VN được cấp phép xuất khẩu vào Hàn Quốc

Đào Ngọc Thạch

"Quả bưởi bắt đầu đàm phán với Hàn Quốc từ năm 2018, sau đó đại dịch Covid-19 xảy ra nên bị chậm lại và mới bắt đầu lại cách nay khoảng 3 năm. Điều này cho thấy để mở cửa thị trường cho một loại hàng hóa là rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Đặc biệt, các nước thường đàm phán lần lượt từng mặt hàng, cái này xong mới đến loại khác", ông Quang nói.

Một mặt hàng được nhiều kỳ vọng thời gian qua là trái dừa tươi cũng đã kết thúc giai đoạn đàm phán với thị trường Trung Quốc, đang chờ ngày ký nghị định thư. Bên cạnh bưởi thì chanh leo cũng đang hoàn tất thủ tục để xuất sang Úc và New Zealand. Ngoài ra, chanh leo và ớt dù chưa ký được nghị định thư nhưng đang được áp dụng biện pháp xuất khẩu tạm thời với Trung Quốc. Cục Bảo vệ thực vật đang tiếp tục mở cửa thị trường cho các loại cây có múi như bưởi, sầu riêng đông lạnh với cả loại nguyên trái lẫn cơm sầu riêng sang Trung Quốc. Chưa kể, thị trường 1,5 tỉ dân này cũng rất hứng thú với các sản phẩm dược liệu từ VN.

Muốn xuất khẩu bền vững, chúng ta chỉ có một con đường là tuân thủ các quy định của thị trường. Mặt khác, những quy định này cũng giúp việc sản xuất của chúng ta bền vững hơn, nên cần chủ động thực hiện.


TS Ngô Xuân Nam (Phó giám đốc Văn phòng SPS)

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), phân tích: Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch rau quả xuất khẩu của VN. Nếu tính luôn cả các nước Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản thì tỷ trọng lên đến 80%. Xu hướng của khối này cũng đang tăng do nhu cầu cao và khả năng đáp ứng tốt của VN. Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, doanh nghiệp xuất khẩu không những hưởng lợi từ thuế quan mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics so với xuất sang những thị trường xa như EU, Mỹ.

"Việc thêm một số loại trái cây chuẩn bị xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp ngành rau quả duy trì đà tăng trưởng cao trong những tháng cuối năm. Dự báo cả năm 2024 xuất khẩu rau quả sẽ về đích ở cột mốc 7 tỉ USD", ông Nguyên lạc quan.

Bưởi, dừa và một loạt rau quả sắp xuất ngoại- Ảnh 2.

Dừa tươi xuất khẩu đã kết thúc đàm phán kĩ thuật với Trung Quốc

CTV

Theo bà Phạm Thị Lâm Phương, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), VN là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand. Đây là thị trường rộng lớn với 2,2 tỉ dân và GDP trên 26.000 tỉ USD, tương đương khoảng 30% dân số và GDP toàn thế giới, chiếm khoảng 29% thương mại hàng hóa và 32,5% đầu tư toàn cầu. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản của VN sang các thị trường trong khối đều ghi nhận kết quả tích cực (ngoại trừ Lào, Myanmar, Brunei).

"Các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cần chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với tham tán của VN ở các quốc gia trong việc đẩy mạnh hoạt động marketing và xúc tiến thương mại. Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận tốt hơn với thị trường xuất khẩu", bà Phương gợi ý.

Đừng để một vài lô hàng làm cả ngành điêu đứng

Đầu ra mở rộng nhưng ông Lương Ngọc Quang lưu ý yêu cầu chất lượng là yếu tố quan trọng hàng đầu với nông sản xuất khẩu. Thị trường quan trọng nhất của chúng ta là Trung Quốc cũng siết nhập khẩu tiểu ngạch, chuyển dần và hướng đến toàn bộ đi theo đường chính ngạch. Vì vậy, cách duy nhất để nông sản xuất khẩu bền vững là phải thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Nhà nông và doanh nghiệp phải liên kết với nhau thực hiện đúng yêu cầu của thị trường.

Bưởi, dừa và một loạt rau quả sắp xuất ngoại- Ảnh 3.

Những mặt hàng nông sản xuất khẩu và đang đàm phán ở một số thị trường chính

Cục Bảo vệ thực vật

"Mỗi thị trường lại có một yêu cầu rất khác nhau. Ví dụ bưởi xuất sang Hàn Quốc phải xử lý bằng hơi nước nóng, có thị trường lại yêu cầu chiếu xạ, chỗ khác lại cần khử trùng… Đặc biệt Nhật Bản và Mỹ còn trực tiếp cử cán bộ kỹ thuật sang kiểm dịch ngay tại vùng trồng, cơ sở đóng gói, khử trùng ở VN. Mở cửa thị trường rất khó nên các doanh nghiệp cần phải giữ được thị trường để mang lại lợi ích chung cho cả cộng đồng", ông Quang nhấn mạnh.

TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật, Bộ NN-PTNT) cũng nhấn mạnh việc mở cửa được nhiều thị trường để gia tăng kim ngạch xuất khẩu là điều rất đáng mừng cho bà con nông dân cũng như nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, để duy trì việc xuất khẩu bền vững thì chúng ta phải tiếp tục nâng cao chất lượng và độ an toàn của sản phẩm. Xu thế chung của thế giới là sử dụng sản phẩm an toàn, mức độ an toàn ngày càng được nâng cao thông qua việc điều chỉnh các ngưỡng dư lượng tồn dư hóa chất. Việc này khiến nhiều hàng hóa của chúng ta rất dễ bị vượt ngưỡng cho phép hay có những chuyện rất nhỏ nhưng mang lại hệ lụy rất lớn.

Đơn cử có trường hợp một lô hàng ớt xuất khẩu vào EU chỉ 38 kg nhưng bị phát hiện không đạt yêu cầu khiến mặt hàng ớt của VN bị EU áp dụng biện pháp kiểm tra tại biên giới tới 50%. Hay chỉ 7 lô hàng thanh long VN xuất khẩu vào EU bị cảnh báo nhưng khiến sản phẩm này bị áp dụng giám sát tại biên giới tăng từ 20% lên 30%. Ngoài ra, đậu bắp cũng bị áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới 50% có kèm theo chứng thư, sầu riêng 10%... Những câu chuyện này cho thấy nỗ lực của tập thể cả ngành hàng có thể sẽ "đổ sông đổ biển" chỉ vì một vài lô hàng không đạt chuẩn; thậm chí có nguy cơ bị cấm xuất khẩu, ảnh hưởng danh tiếng cả ngành hàng.

"Muốn xuất khẩu bền vững, chúng ta chỉ có một con đường là tuân thủ các quy định của thị trường. Mặt khác, những quy định này cũng giúp việc sản xuất của chúng ta bền vững hơn, nên cần chủ động thực hiện", TS Ngô Xuân Nam khuyến nghị. 

EU tăng cảnh báo với nông sản VN

Ngày 2.8, tại TP.HCM, Văn phòng SPS phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức hội nghị phổ biến các quy định SPS trong các hiệp định thương mại tự do.

Theo Văn phòng SPS, trong nửa đầu năm 2024, thế giới ghi nhận tổng cộng 2.708 cảnh báo về chất lượng nông sản và thực phẩm. Trong đó, VN nhận 57 cảnh báo, tương đương 2,1%. Mặc dù tỷ lệ này nằm ở mức trung bình so với các quốc gia trong khu vực nhưng tăng mạnh nếu so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2023, VN nhận 31 cảnh báo và cả năm là 67 cảnh báo. Trong số này, TP.HCM là địa phương nhận được nhiều nhất, với 23 cảnh báo, kế đến là Hà Nội và Tiền Giang.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.