Buồn vui hơn 40 năm… 'kiểm tra miệng' học sinh

15/10/2023 16:43 GMT+7

Ngần ấy năm làm giáo viên đứng lớp là bao nhiêu tiết dạy và phần lớn các tiết dạy tôi đều mở sổ điểm kiểm tra bài cũ, còn gọi là kiểm tra miệng.

Kiểm tra miệng là nêu vài câu hỏi về bài học trước đó để hai hoặc ba học sinh trả lời, tạo đường dẫn vào bài mới. Đây là bước thứ 2 trong 5 bước lên lớp mà giáo viên nào cũng phải thể hiện rõ trong giáo án.

Thậm chí, ở nơi tôi dạy (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi), các cán bộ Phòng GD-ĐT còn yêu cầu ghi nội dung câu hỏi kèm đáp án và tên các học sinh được kiểm tra một cách cụ thể trong giáo án. Phòng kiểm tra mà không có mục này thì từ ban giám hiệu đến giáo viên bị phê bình ngay.

Buồn vui hơn 40 năm… 'kiểm tra miệng' học sinh - Ảnh 1.

Có nhiều hình thức kiểm tra bài cũ học sinh

ĐÀO NGỌC THẠCH

Nâng niu những đốm lửa

Tôi còn nhớ, một giáo viên đã bị cấp trên xếp loại yếu vì bỏ qua bước kiểm tra miệng mà đi thẳng vào bài mới. Giáo viên này tỉnh bơ ký vào phiếu dự giờ và dí dỏm: "Miệng học sinh có gì đâu mà giờ dạy nào cũng phải kiểm tra?".

Có nhiều lần tôi "dời" bước kiểm tra miệng vào phần giảng bài mới vì thấy kiến thức giữa hai bài liên quan với nhau. Học sinh nào trả lời tốt, cuối giờ tôi ghi điểm vào sổ. Cũng không ít lần tôi kiểm tra miệng bằng cách nêu câu hỏi chung cho cả lớp, các tổ trao đổi khoảng một phút. Nhiều cánh tay giơ lên, tôi rê bút chọn em nào chưa có điểm kiểm tra miệng để gọi. Câu trả lời chuẩn không chắc của riêng em này nhưng trong dạy học cần nâng niu những đốm lửa cháy lên từ năng lượng tập thể.

Học sinh hồi hộp là điều xảy ra khi kiểm tra miệng cũng như các hình thức kiểm tra khác, bởi có hồi hộp do không thuộc bài, có hồi hộp vì mình thuộc bài mà thầy không gọi tên thì… uổng quá. Ở quê không tránh khỏi những vụ "chiều chiều" phụ huynh níu kéo ngồi bù khú với thầy. Có người trách: Con bé nó buồn vì tối nào cũng học mà thầy không dò bài; thằng nhỏ nhà tui "hăm" lấy điểm 10 môn sử mà thầy đâu có ngó ngàng tên nó.

Tôi vừa nhận tin nhắn của một học trò cũ, giờ là giảng viên của một trường đại học ở TP.HCM. Em viết: "Nhớ hồi đó thầy rê bút là em hồi hộp, sợ thầy bỏ qua tên em. Lấy được điểm 8, 9 kiểm tra miệng là em mừng lắm".

Buồn vui hơn 40 năm… 'kiểm tra miệng' học sinh - Ảnh 2.

Kiểm tra miệng là nêu vài câu hỏi về bài học trước đó để hai hoặc ba học sinh trả lời, tạo đường dẫn vào bài mới

ẢNH MINH HỌA: NGUYỄN LONG


Cũng là một sự khởi động

Tôi nhớ khi kiểm tra miệng, học sinh ấp úng, tôi rèn kỹ năng nói ngay. Có học sinh không hợp tác, dùng "quyền im lặng", tôi nhẹ nhàng gợi ý nội dung. Cuối cùng học sinh cũng nói và nói hay nữa là khác.

Cũng nên thừa nhận một thực tế là giáo viên mới ra trường không muốn kiểm tra miệng vì sợ những tình huống bất ngờ như học sinh đứng ngây như phỗng, cạy răng không nói, hoặc nói cũng như không, chẳng hạn "em hổng biết".

Cũng có khi học sinh ngỗ nghịch "tấn công" thầy cô giáo: "Thầy/cô hỏi em, em biết hỏi ai?". Sự lúng túng trong xử lý các tình huống sư phạm do non kinh nghiệm làm ảnh hưởng đến khâu dạy bài mới. Nhưng điều này dần dần được khắc phục chỉ sau một vài học kỳ.

Mấy phút kiểm tra miệng nếu làm tốt, đừng gây áp lực cho học sinh, cũng là sự khởi động cần thiết của tư duy để có được sự kết nối, phấn chấn, kích thích, khát khao chiếm lĩnh tri thức mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.