Trước hết, nếu có điều kiện, nên kết nối các bộ môn học có đặc thù giống nhau ở một số hoạt động. Chẳng hạn, môn hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có thể kết hợp với môn học giáo dục địa phương, do một số chủ đề của hai môn này có nhiều điểm giống nhau. Và khi cho học sinh trải nghiệm thực tế cũng sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và tài chính của người học.
Thứ hai, tận dụng các tiết sinh hoạt chung, như tiết chào cờ dưới sân, để tổ chức các sinh hoạt chuyên đề đơn hoặc liên môn cho học sinh. Đã có một số trường phổ thông chủ động làm tốt việc này. Đó là sinh hoạt chuyên đề chung cho từng khối lớp vào tiết chào cờ thứ hai và đã giảm tải 1 tiết cho học sinh trong thời khóa biểu. Ví dụ môn hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 11 từ 3 tiết giảm xuống còn 2 tiết. Tại TP.HCM, từ đầu năm ngoái và đầu năm nay, tài liệu giáo dục địa phương của khối lớp 10 và 11 chưa ban hành kịp. Tuy nhiên do sự chủ động và linh hoạt, nhiều trường đã bố trí 2 tiết mỗi tuần trong học kỳ 2, song vẫn không gây quá tải, do đã dành 1 tiết cho sinh hoạt chung dưới sân theo chủ đề.
Thứ ba, trừ kiểm tra tập trung, khi xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá thường xuyên, các tổ bộ môn cần có sự phối hợp với nhau để rải đều khoảng thời gian theo từng học kỳ, tránh dồn dập, chồng chéo trong một thời điểm, gây quá tải cho học sinh.
Xây dựng thời khóa biểu hợp lý, hài hòa giữa các môn tự nhiên và xã hội, lý thuyết và thực hành; không xếp quá nhiều tiết của một môn trong một buổi học; tránh xếp giờ học vào ngày thứ bảy... cũng là cách làm giảm áp lực cho học trò.
Bình luận (0)