Vì sao học sinh bị áp lực khi học chương trình mới?

26/09/2023 07:09 GMT+7

Đặc trưng của dạy và học chương trình mới là lấy người học làm trung tâm, phát huy tối đa vai trò của người học, cho học sinh (HS) hoạt động rất nhiều, điều này dẫn đến hệ lụy là HS quá tải về học tập, bị áp lực rất lớn.

Thăm dò ý kiến của nhiều giáo viên (GV) và HS đang dạy và học lớp 10 và 11 theo chương trình mới hiện nay, chúng tôi thấy hầu hết ý kiến đều cho rằng việc học chương trình mới không hề nhẹ nhàng, chưa thật sự giảm tải cho HS, áp lực việc học không thua kém gì chương trình cũ, thậm chí còn nặng nề hơn ở nhiều mặt.

Vì sao học sinh bị áp lực khi học chương trình mới? - Ảnh 1.

Học chương trình mới chú trọng đến việc liên hệ với thực tiễn nên hầu hết giáo viên các môn đều “giao việc” cho học trò, xem như là bài tập về nhà

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến áp lực cho HS. Trước hết phải kể đến là do cách thức tổ chức một tiết dạy theo quy định mới của Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH. Với yêu cầu của công văn này, trong một tiết học, GV và HS phải làm việc liên tục, không nghỉ ngơi mới "chạy" kịp kế hoạch. Tiết học mất hết khoảng lặng thời gian để cho HS nghiền ngẫm vấn đề. Cô N.T.H.Ng, GV dạy tiếng Anh một trường THPT tại Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết: "Với cách dạy học như hiện nay, cô và trò phải hoạt động liên tục mới mong không bị "cháy" giáo án".

Học chương trình mới chú trọng đến việc liên hệ với thực tiễn, vận dụng kiến thức vào cuộc sống, cho nên hầu hết GV các môn đều "giao việc" cho học trò, xem như là bài tập về nhà. Các bài tập này không phải đơn thuần là lý thuyết như cách học trước đây, mà là sản phẩm. Để tạo ra được sản phẩm, HS phải mất rất nhiều công sức và thời gian, kể cả tốn kém. Nhiều HS lớp 10 thẳng thắn nhìn nhận: "Việc GV chia nhóm, giao việc cho các em về nhà soạn bài powerpoint để thuyết trình ở lớp giúp các em nắm chắc bài học hơn. Nhưng nếu tuần nào cũng làm, môn nào cũng yêu cầu thì thật sự các em rất đuối".

Những HS học theo phân môn tự chọn càng vất vả hơn, vì các em phải vừa học kiến thức những môn chung vừa làm "nhà nghiên cứu" đối với những môn chuyên.

Cô N.T.Hương, GV dạy ngữ văn lớp 11, nhận xét: "Chuyên đề ngữ văn rất nặng. Nếu HS muốn học bài bản, có chất lượng, thì phải đầu tư công sức vào rất nhiều, phải giống như nhà nghiên cứu. Còn không, kết quả rất thấp, chỉ như "cưỡi ngựa xem hoa" mà thôi". Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa, hướng nghiệp, sinh hoạt câu lạc bộ, phong trào... do nhà trường tổ chức thường xuyên cũng chiếm mất nhiều thời gian nghỉ ngơi của các em.

Để giảm bớt áp lực cho HS, rất cần đến sự linh hoạt, "đồng cảm" của người dạy. Theo đó, không nên cứng nhắc trong mỗi tiết dạy mà cần uyển chuyển, nhẹ nhàng. Thầy cô nên hạn chế "giao việc" quá nhiều cho HS. Nóng vội đặt tham vọng quá cao vào sự thay đổi của người học theo chương trình mới sẽ dễ tạo ra áp lực cho HS.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.