Buông lỏng chất cấm

05/03/2016 05:31 GMT+7

Nếu như con số nhập khẩu salbutamol vênh nhau giữa các ngành y tế, hải quan, NN-PTNT khiến dư luận thất vọng một, thì nay công bố hôm 3.3 tại hội nghị hành động vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến người ta thất vọng 100.

Nếu như con số nhập khẩu salbutamol vênh nhau giữa các ngành y tế, hải quan, NN-PTNT khiến dư luận thất vọng một, thì nay công bố hôm 3.3 tại hội nghị hành động vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến người ta thất vọng 100.

Hơn cả sự thất vọng, đó là nỗi sợ hãi của người dân trước sự thất bại mọi nhẽ của quản lý trong việc thiết lập hàng rào tối thiểu đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn sống cho người dân. Chưa bao giờ “các con số giết người” được công bố dửng dưng đến thế.
“Chỉ riêng trong năm 2015 đã có trên 20 doanh nghiệp VN nhập khẩu salbutamol với số lượng hơn 9 tấn (9.140 kg). Trong số hơn 6 tấn đã bán ra thị trường, chỉ có khoảng 10 kg được sử dụng đúng mục đích (làm nguyên liệu dược phẩm - PV). 6 tấn salbutamol đã được sử dụng làm chất tạo nạc để trộn vào thức ăn chăn nuôi” (hết trích dẫn). Đây là công bố chính thức, đầu tiên từ một cơ quan có thẩm quyền uy tín (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường), và nó có vẻ trùng với con số hải quan trước đó cho rằng đã có tới hơn 64 tấn hóa chất tạo nạc được nhập vào VN trong mấy năm gần đây.
Sử dụng ở mức 15 ppm (phần triệu) salbutamol đã có thể giúp heo không chỉ tăng chiều dài mà mỡ giảm hẳn. Tuy nhiên, nó là chất bị cấm tuyệt đối trong chăn nuôi vì khả năng tích lũy trong cơ thể người ăn thịt và gây ra các vấn đề về gan, thận nghiêm trọng. Thế mà ở đây là 6 tấn chỉ trong vòng 1 năm.
Như vậy, câu hỏi chất tạo nạc ở đâu ra - điều mà dư luận mãi truy tìm - đã quá rõ ràng. Là chính các doanh nghiệp VN nhập về và đưa ra thị trường sử dụng. Nhưng ai là người cấp phép cho việc nhập, cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc sử dụng chất cấm mất kiểm soát như vậy? Khi mà, trả lời trước Quốc hội ngày 11.11.2015, Bộ trưởng Y tế khẳng định: “Quy trình về quản lý các dược phẩm này khá chặt chẽ từ nhập khẩu nguyên liệu, quy trình sản xuất, kinh doanh phân phối và sử dụng phải qua đơn”.
Chặt chẽ là như vậy đó, chặt chẽ là hàng ngàn ki lô gam chất cấm được thoải mái trộn vào thức ăn chăn nuôi, trong khi cơ quan chức năng còn bận tranh cãi về sự chính xác của những con số.
Nhưng hình thức xử lý khi phát hiện các doanh nghiệp vi phạm sử dụng salbutamol và auramine (vàng ô) mới thể hiện sự dửng dưng hơn nữa. Cũng theo công bố tại hội nghị kể trên, 11/13 doanh nghiệp bị xử phạt hành chính, với biện pháp bổ sung là tiêu hủy, thu hồi sản phẩm (!). Trước một hành vi tội ác, gây hại cho sức khỏe cộng đồng, đe dọa chất lượng giống nòi, làm mất uy tín thực phẩm VN trên trường quốc tế mà chỉ xử phạt hành chính thì thực sự là một sự thất bại của luật pháp.
An toàn thực phẩm là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng hiện nay và đáng tiếc, nó không thể giải quyết được bằng những khẩu hiệu. Chỉ cần vài vụ bị xử lý hình sự thì có cho tiền người nông dân cũng không trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi. Vi phạm an toàn thực phẩm có nguy cơ phá sản khi bị phát hiện, thì chả doanh nghiệp nào dại mà mua bán nhập nhèm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.