Đơn cử trong lĩnh vực thuế.
Phải công nhận rằng, chống thất thu là thành tích nổi bật của ngành thuế trong năm 2013. Cũng nhờ nỗ lực này, ngân sách đã kịp cán đích trước khi đóng cửa năm cũ dù số thất thu dự kiến trước đó là khá lớn. Tuy nhiên, hầu hết các nỗ lực thu thuế vẫn tập trung chính vào các doanh nghiệp (DN) trong nước. Trong khi hàng loạt các nghi án chuyển giá trốn thuế của các đại gia nước ngoài tại VN vẫn bỏ ngỏ.
Đáng nói là các nghi án này đều có dấu hiệu khá rõ ràng. Ngành thuế cũng liệt kê hàng loạt các chiêu thức, biểu hiện của hành vi chuyển giá nhưng số DN FDI bị thanh kiểm tra và truy thu vẫn quá khiêm tốn so với thực tế.
Tương tự trong lĩnh vực du lịch, các DN ngoại, công ty liên doanh, văn phòng đại diện nước ngoài tại VN vẫn đang kinh doanh nghiệp vụ mà chúng ta không cho phép. Cùng với đó, rất nhiều người nước ngoài cũng đang làm hướng dẫn viên "chui" một cách công khai tại thị trường nội địa bất chấp quy định cấm. Quản lý lỏng lẻo hoạt động của các đối tượng này không chỉ khiến ngân sách thất thu mà còn gây rối loạn hoạt động trên thị trường du lịch nội địa cũng như gây khó khăn cho DN du lịch trong nước.
Không chỉ ít bị "soi" hơn, các DN nước ngoài cũng nhận được rất nhiều ưu đãi so với DN trong nước. Trong một bài báo mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng DN trong nước rất thiệt thòi trước những ưu đãi về thuế, tiếp cận vốn, thuê đất so với DN FDI. Đáng nói là, đằng sau những ưu đãi đó, chúng ta đã phải trả giá rất nhiều về vấn đề ô nhiễm môi trường, tài nguyên bị khai thác với chi phí rẻ từ các DN FDI... Cũng theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, 80% DN FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới khi đầu tư vào VN. Nhập công nghệ lạc hậu rồi chuyển giá thành “cao cấp” là chiêu mà nhiều DN áp dụng và qua mặt được các nhà quản lý ở VN.
Chúng ta vẫn hay nói tới vấn đề "thua trên sân nhà" như một kết luận về sự yếu kém của các DN trong nước. Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận, cũng tại chính "sân nhà", họ đang bị rất nhiều thiệt thòi rất nhiều từ sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan có thẩm quyền trong một số lĩnh vực; sự thiếu công bằng trong những ưu đãi về cơ chế, điều kiện... kinh doanh so với DN ngoại.
Kết quả là, nếu như xuất khẩu là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế năm 2013 thì 3/4 kim ngạch thuộc về DN FDI, đóng góp của các DN trong nước rất khiêm tốn. Đặc biệt, năm 2013 là năm thứ 2 chúng ta xuất siêu nhưng thành tích này hoàn toàn từ khối DN FDI, DN trong nước vẫn tiếp tục "truyền thống" nhập siêu. Có thể thấy, những khó khăn, những thiệt thòi, những bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh đang khiến DN nội ngày càng teo tóp.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)