Cuối tháng 12.2014, món quà từ Bưu điện Sài Gòn gửi ra làm đôi người choáng váng. Không phải lá thư nhảy ra từ phong bì hay gói quà xinh xắn mùa Giáng sinh mà là lớp sơn mới màu vàng chói. Báo chí đặt tựa giật gân: “Giật mình với màu sơn của Bưu điện TP HCM”.
Tháng 12.2014, Bưu điện Sài Gòn được sơn lại bằng màu “vàng chói” - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Qua những tấm hình xưa và nay thì Bưu điện Sài Gòn đã trải qua ít nhất hai màu: màu vàng và màu hồng. Ảnh chụp có thể phai màu, ảnh đăng báo, bưu thiếp hay internet cũng đổi màu. Người Pháp ưa màu nhạt cho những kiến trúc thời thuộc địa ở đảo hay xứ nhiệt đới. Nếu Bưu điện còn giữ lại hồ sơ “bảo hành định kỳ” có thể biết tòa nhà này đã được sơn lại mấy lần, và “màu gốc” thế nào.
Theo tin trên báo, “Màu ban đầu của bưu điện là màu “vàng pha” nhưng trải qua hơn 120 năm đã ngả ra màu hồng mà người dân thường thấy”. Không rõ màu hồng trong ảnh dưới do “ngả ra” hay do sơn lại?
Bưu điện Sài Gòn trước khi được sơn lại - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Màu vàng chói có tội gì không?
Màu sắc, tòa nhà di tích, cây cối trên đường phố Sài Gòn đều vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội. Theo một kiến trúc sư trẻ thì tồn tại một màu vàng trong bảng màu thông dụng của kiến trúc tên là Colonial Yellow/màu vàng thời thuộc địa. Bưu điện Sài Gòn xây xong năm 1891, thử lướt qua vài kiến trúc cùng thời có màu vàng.
Nhà thờ Granada ở Nicaragua xây năm 1583, bị phá hủy hoàn toàn năm 1856 và được xây lại năm 1915 do kiến trúc sư người Ý Andrés Zappata thiết kế. Với ba nóc tròn màu cam-đỏ trên nền vàng điểm trắng và dẫy cột màu trắng, nhà thờ có màu sắc như hoa pensée.
Hoa pensée
|
Nhà thờ Granada ở Nicaragua - Ảnh: Shutterstock
|
Dưới đây là Bưu Điện Phnom Penh hàng xóm cũng được xây thời Pháp thuộc. Cũng như hoa Pensée hay nhà thờ Granada, màu trắng luôn xen kẽ theo tỷ lệ cho màu vàng dịu xuống, màu trắng có thể tới 40%.
Bưu Điện Phnom Penh - Ảnh: Shutterstock
|
Màu sắc biết kể chuyện hay
Quần đảo Burano nổi tiếng thế giới với những ngôi nhà như đào như mận khoe màu trong nắng gió Địa Trung Hải. Cách Venice 7km, 40 phút bằng thuyền máy, Burano là 5 hòn đảo nhỏ xíu cách nhau bởi những con lạch bề ngang 10 m. Cư dân di chuyển toàn bằng thuyền. Màu ngộ nghĩnh tươi vui ghi lại thời “hoàng kim” khi Burano phát triển “thành phố”. Màu sắc chói lọi để cư dân đánh cá nhận được nhà qua làn sương mù dầy đặc, hoặc khi quá chén say mèm còn biết đường về nhà với vợ. Coi vậy, không phải ai muốn sơn màu gì cũng được. Nếu muốn sơn lại nhà, phải gửi thơ lên chính phủ để được chỉ định màu sơn dành riêng cho mỗi lô nhà trên mỗi hòn đảo. Trao đổi riêng với Marc David Biffi, nhạc sĩ người Ý, hiện đang ở Sài Gòn, ông dí dỏm cho hay nhà ở Burano nhiều màu vì thuyền họ không vẽ con mắt giúp nhận ra nhà mình qua đám sương mù. Cũng theo Marc ít khi nhà cửa sơn màu như vậy, trừ trường mẫu gíáo.
Những ngôi nhà màu sắc sặc sỡ đặc trưng của quần đảo Burano - Ảnh: Shutterstock
|
Ngay ở Sài Gòn, dọc theo bến Bình Đông, quận 8 có những căn nhà đầy màu sắc. Một dự án từ tháng 8.2014 lôi cuốn các bạn trẻ "Làm đẹp Sài Gòn". Biết đâu bến Bình Đông ảnh dưới cũng thành một Burano nếu thả cho các bạn trẻ tha hồ sáng tạo?
Bến Bình Đông quận 8 - Ảnh tư liệu
|
“Old is gold/Cũ kỹ là vàng”
Nếu nhìn lại hơn 200 năm trước, Sài Gòn như một giỏ hoa nhiệt đới vùng Đông Nam Á mà thương nhân thế giới tấp nập ghé bến trao đổi phẩm vật, nếu nhìn lại thuở bình minh 300 năm Sài Gòn-Chợ Lớn thì nơi đây là một cảng quốc tế. Đánh mất bất cứ điều gì, có nghĩa đã xa rời quá khứ khi Sài Gòn được thành lập giữa dòng lịch sử thế giới vào thời người da trắng từ châu Âu nhoài người ra khỏi sương mù đi tìm huyền bí phương Đông.
Việc bảo tồn “những gì cũ kỹ” là một công tác trân trọng cần kiến thức sâu rộng từ nhiều ngành: kiến trúc, khảo cổ, mỹ thuật, lịch sử, môi trường, tâm lý, nhân chủng, dân tộc học... thay vì đè nặng lên vai đội ngũ thợ sơn như trong trường hợp sơn lại Bưu điện Sài Gòn.
Có trời nào không xanh có màu nào không đẹp? Nhưng Bưu điện Sài Gòn không phải đảo Burano, không phải bến Bình Đông, không phải lớp mẫu giáo, mà là một kiến trúc trang nghiêm giữa lòng Sài Gòn, mang trên vai giá trị và đặc điểm của 123 năm trước. Bưu điện có bề mặt rất lớn nên màu vàng ấy thành chói. Nhưng một khi đại diện Bưu điện can đảm nhận cái màu vàng ấy là chói, Sở Văn hóa và Thể thao “sẽ mời các chuyên gia cùng tư vấn, phân tích, góp ý để việc sửa chữa, trang trí cho đẹp hơn và đạt kết quả thẩm mỹ cũng như bảo tồn trọn vẹn công trình” thì đêm dài rốt cuộc cũng tận cùng bằng ánh bình minh.
Theo thiển ý, một khi đã chọn được màu (vàng pha vàng nhạt vàng đất vàng ban đầu, hồng nhạt hồng tươi...) của thời Colonial, nên lấy màu đó để sơn lại tất cả những kiến trúc thời Pháp (nếu chưa bị giựt sập hết). Sự đồng nhất khiến dễ theo dõi bảo trì, đồng thời trở thành một điểm đặc biệt của Sài Gòn, một Sài Gòn đã từng có tên La perle de l'extrême-orient/Ngọc Trai Viễn Đông.
Ở xa, xin chúc Bưu điện Sài Gòn may mắn đầu năm.
Bình luận (0)