Cả bản bị vùi trong đất

29/06/2018 06:13 GMT+7

Sạt lở đất đã biến bản Sáng Tùng, xã Tả Ngảo (H.Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) nơi từng có 28 nóc nhà sàn thơ mộng của đồng bào người Mông, người Thái bỗng chốc vỡ vụn, bị vùi lấp xuống bùn lầy.

Sơ tán khẩn cấp trong đêm
[VIDEO] Mỏi mắt trông tin vợ con bị cuốn trôi giữa vùng rốn lũ
Con đường từ trung tâm xã dẫn lên Sáng Tùng đã bị mưa lũ làm đứt gãy khiến bản này bị cô lập từ nhiều ngày qua. Sáng 28.6, đoàn công tác của Tỉnh ủy Lai Châu do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Chử làm trưởng đoàn phải điều động 2 máy xúc đi trước san gạt đất mở đường đưa hàng cứu trợ đến các hộ dân đã mất nhà cửa, không còn chỗ ở.
Đường lên bản đã bị phong tỏa, chúng tôi phải nhờ một thanh niên địa phương dẫn men theo đường mòn để đến gần nhất hiện trường sạt lở. Khung cảnh trước mắt hiện ra điêu tàn với những nóc nhà sàn bị gãy đổ ngả nghiêng xiêu vẹo hoặc bị xé toạc. Nhiều ngôi nhà đã bị tụt hẳn xuống bùn chỉ còn nhìn thấy nóc. Cây cầu bê tông kiên cố ở Sáng Tùng mới được xây dựng khoảng 2 năm nay cũng bị tụt xuống gãy vụn. Bên dưới là dòng suối nước đang ào ạt chảy.
Nhà ở ngay bản này, anh Hạng A Tỉnh, Bí thư Đoàn xã Tả Ngảo, kể lại đêm 26.6 cả bản phải thức trắng khi từ chập tối vết nứt trên đỉnh đồi ở cánh rừng Hà Ná được người dân phát hiện trước đó mỗi lúc một rộng hơn. Lệnh sơ tán khẩn cấp ban ra, Hạng A Tỉnh huy động hàng chục thanh niên từ các bản Lao Lử Đề và Nậm Chảng sang chi viện. Trong đêm tối, bước chân người chạy rầm rập chuyển thóc gạo, đồ đạc, hối trâu bò chạy khỏi bản.
“Khoảng 3 giờ sáng 27.6, cầu bê tông trượt xuống, nhà cửa cứ sụp đổ dần. Khi trời sáng, nhìn nhà cửa mất ngay trước mắt, phụ nữ, trẻ em kêu khóc thảm thương”, Tỉnh kể lại. Trong đêm ấy, nhà của Tỉnh ở rìa bản Sáng Tùng trở thành nơi tạm trú ngụ của hàng chục người dân. “Nhà giờ bị nghiêng không ở được nữa rồi, chờ cho đất ổn định thì thuê thợ quay vào dỡ lấy gỗ dựng nhà nơi khác thôi”, Tỉnh buồn bã nói.
[VIDEO] Sạt lở đất xoá sổ bản Sáng Tùng, 28 ngôi nhà bị vùi lấp
Nhà mất, trẻ em ở bản Sáng Tùng trú mưa bên lề đường được các đoàn cứu trợ tiếp đồ ăn, nước uống
7 giờ định mệnh ở Sáng Tùng
Dọc đường vào bản Sáng Tùng trong sáng 28.6, chúng tôi gặp nhiều hình ảnh bi thương sau 2 ngày sạt lở đất. Những bao thóc, nồi niêu xoong chảo, bàn ghế… vứt vội bên đường, lều bạt sơ sài người dân dựng tạm để trú mưa khi hàng tiếp tế, cứu trợ chưa thể đưa vào bản. Những khuôn mặt trẻ nhỏ hốc hác, mệt mỏi sau gần hai ngày mất nhà cửa, phải vạ vật trong lều dựng tạm bên đường.
Nhớ về đêm kinh hoàng trước khi bản Sáng Tùng sập đổ, ông Sùng A Binh, Chủ tịch UBND xã Tả Ngảo kể, vết nứt được phát hiện lúc 2 giờ chiều thì 4 giờ phát lệnh sơ tán. Cho đến 9 giờ đêm, người và tài sản quan trọng cơ bản đã sơ tán xong. Thanh niên, dân quân phải canh gác ngăn không cho người dân quay trở lại. “Vụ sạt lở đất diễn ra từ 3 giờ sáng kéo dài đến 9 giờ thì không thấy nền đất tụt xuống thêm nữa. 28 nóc nhà sàn bị xóa sổ, giờ không thể ở lại được nữa rồi”, ông Binh buồn bã.
Theo ông Binh, so với nhiều bản khác, Sáng Tùng là bản có đời sống khấm khá nhất. Nhà sàn kiên cố khang trang. Bản đang vào mùa cấy. Nếu không phát hiện được vết nứt và kiên quyết sơ tán khi sạt lở đất ập xuống những nóc nhà 162 con người đang ngủ say thì hậu quả vô cùng thảm khốc.
Bản Sáng Tùng điêu tàn sau trận sạt lở đất ngày 27.6
Có mặt tại ở hiện trường chỉ huy đưa hàng cứu trợ tiếp tế người dân, ông Lê Trọng Quảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, cho rằng vụ sạt lở đất ở Sáng Tùng sẽ được tỉnh đưa vào làm bài học kinh nghiệm để nhắc nhở các địa phương khác trong công tác phòng chống ứng phó với mưa bão. Nếu người dân không cảnh giác và hợp tác với chính quyền sơ tán khỏi vùng nguy hiểm thì Lai Châu sẽ hứng chịu một đại họa thiên tai. “Trước mắt, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ người dân dựng lều bạt ở tạm, cung cấp đầy đủ nước sạch, các bữa ăn, sau đó sẽ tính toán phương án sắp xếp tái định cư cho các hộ dân”, ông Quảng nói.
Quỹ từ thiện Kim Oanh hỗ trợ đồng bào bị thiên tai
Sáng 28.6, bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Kim Oanh (Bình Dương), Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ từ thiện Kim Oanh, đã trao số tiền 150 triệu đồng (ảnh) ủng hộ đồng bào bị mưa lũ ở tỉnh Lai Châu.
Theo thống kê ban đầu, trong những ngày qua mưa lũ ở Lai Châu đã làm 25 người chết và mất tích, thiệt hại tài sản hàng trăm tỉ đồng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Hưởng ứng lời kêu gọi và thông qua Báo Thanh Niên, bà Đặng Thị Kim Oanh đã trao số tiền 150 triệu đồng cùng chung tay chia sẻ những khó khăn, mất mát của người dân vùng mưa lũ.
Đỗ Trường
Mưa lũ làm 23 người chết, 10 người mất tích
Theo thông tin từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), thống kê đến 18 giờ ngày 28.6 mưa lũ đã làm 23 người chết (Lai Châu 16 người, Hà Giang 5 người, Tuyên Quang 1 người, Lạng Sơn 1 người). Ở Lai Châu có 9 người mất tích, Điện Biên 1 người mất tích. Ở các địa phương xảy ra lũ quét và sạt lở đất, các đơn vị quân đội huy động trên 3.000 người và 86 phương tiện máy móc các loại tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn người mất tích và khôi phục hệ thống đường giao thông.
Lời kêu gọi
Những ngày qua, các trận mưa lũ lịch sử lớn nhất trong 52 năm đã quét qua các tỉnh Lai Châu, Hà Giang và một số tỉnh miền Tây Bắc khiến hàng chục người bị thiệt mạng, mất tích. Mưa lũ và sạt lở đất đã vùi chôn nhiều ngôi nhà, diện tích hoa màu; cô lập nhiều xã vùng cao biên giới, hàng trăm hộ dân trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá phải sơ tán khẩn cấp, người dân đang chịu cảnh đói khát, sống trong cảnh màn trời chiếu đất.
Để chung tay góp sức, chia sẻ với đồng bào bị thiên tai trên tinh thần “nhiễu điều phủ lấy giá gương”, Báo Thanh Niên kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và bạn đọc gần xa đóng góp, hỗ trợ đồng bào vùng mưa lũ, giúp người dân nơi đây vượt qua tình cảnh hoạn nạn, tai ương ngặt nghèo.
Mọi sự giúp đỡ xin trực tiếp đến tòa soạn Báo Thanh Niên: số 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu (P.6, Q.3, TP.HCM); tòa soạn Hà Nội tại số 218 Tây Sơn (Q.Đống Đa, Hà Nội) hoặc các văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trên cả nước.
Bạn đọc cũng có thể chuyển khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 14710000000115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Hỗ trợ đồng bào bị thiên tai các tỉnh phía bắc.
Báo Thanh Niên sẽ kịp thời tổ chức những chuyến cứu trợ đến trực tiếp tận tay những người dân bị thiệt hại trong thời gian sớm nhất, và cập nhật thông tin đầy đủ trên mặt báo.
Xin chân thành cảm ơn nghĩa cử của quý bạn đọc!
Thanh Niên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.