Thi cho biết nhiều người dân địa phương đã đầu tư trang thiết bị hàng chục triệu đồng, thậm chí cả trang trại, để nuôi cá chạch lấu trong bể. Đáng tiếc là dù rất cần cù và chăm chỉ, nhưng không ít bà con trầy trật trong quá trình thuần phục loài cá này. Có nhiều nguyên nhân, trong đó việc thiết kế bể nuôi nhân tạo chưa thực sự hiệu quả là lý do phổ biến nhất khiến cá chạch lấu khó thích nghi khi sống xa môi trường tự nhiên.
“Sáng chế này nhằm mục đích góp thêm một giải pháp hữu ích giúp nông dân kiểm soát được quá trình sinh trưởng và phát triển của loài thủy sản được mệnh danh là “nhân sâm nước”. Qua đó, hạn chế hao hụt về chi phí, thất thoát con giống để khi thu hoạch đạt năng suất cao”, Quỳnh chia sẻ.
Thiết bị nuôi cá chạch lấu của 2 học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam |
THANH DUY |
Theo tìm hiểu của nhóm, cá chạch lấu có nhiều tiềm năng giúp nông dân phát triển kinh tế và làm giàu. Đây là loài cá có thể sinh sống tốt trong cả môi trường nước ngọt và nước lợ. Vì giàu giá trị dinh dưỡng nên giá cá thương phẩm cao, trung bình từ 300.000 - 350.000 đồng/kg, có lúc trên 400.000/kg.
Nhận thấy đặc điểm của cá chạch lấu là tập trung đông ở nơi có dòng nước chảy xiết, cần nồng độ ô xy hòa tan trong nước cao, nhiệt độ nước ổn định trong khoảng 27 - 320C, nhóm đã tiến hành cài đặt tích hợp các loại cảm biến đo lường tương ứng: nhiệt độ nước, cường độ ánh sáng, nồng độ chất rắn hòa tan, độ đục, mực nước. Qua việc lập trình và bo mạch điện thành công, những chỉ số cảm biến này được cập nhật, báo cáo tín hiệu trên màn hình OLED 1,3 inch. Bộ phận xử lý trung tâm kết nối với mạng wifi, người nuôi vừa có thể điều khiển trực tiếp trên thiết bị, vừa điều khiển từ xa bằng phần mềm Blynk trên điện thoại thông minh.
Về cách thiết bị hoạt động, Thi giải thích: Nếu môi trường bể nuôi có biểu hiện chênh lệch so với các thông số chuẩn đã cài đặt sẵn, các kênh xử lý đầu ra (relay) của thiết bị sẽ làm việc để đưa về trạng thái bình thường. Cụ thể, kênh 1 phát ra ánh sáng bằng đèn LED (nuôi sống thủy sinh dưới đáy bể - PV), kênh 2 bật máy sưởi khi cần tăng nhiệt độ nước, kênh 3 là sò nóng - lạnh với tính năng làm giảm nhiệt độ nước, kênh 4 là đèn UV có tác dụng diệt khuẩn định kỳ giúp cá hạn chế nhiễm bệnh.
Thiết bị nuôi cá chạch lấu có cấu tạo từ 12 bộ phận chính, chi phí thực hiện dưới 1,5 triệu đồng. Từ khi nghiên cứu đến lúc hoàn thiện, nhóm mất hơn 6 tháng tìm tòi. Sáng chế này đã đoạt giải ba cuộc thi Tin học trẻ khối THCS tỉnh Hậu Giang năm 2022.
Bình luận (0)