Mặc dù quảng cáo bán thạch cá chép từ cách đây hơn 2 tuần và yêu cầu khách chốt đơn trước ngày 20 tháng chạp, song trước ngày đưa ông Công, ông Táo về trời, chị Lan Nhi, một người bán hàng online tại Minh Khai (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), vẫn chỉ nhận được chưa đến 10 đơn hàng.
Bánh cúng hình rồng, cá chép đắt khách ngày cúng ông Táo
Chị Nhi chia sẻ: "Tôi bán mặt hàng này từ cách đây 3 năm khi dịch Covid-19 bùng phát. Loại cá chép làm bằng thạch rau câu rất hút khách, dù giá đắt gấp 3 - 4 lần cá thật. Tôi lấy về ngày nào bán hết sạch ngày đó, có ngày lên đến 200 đơn hàng, quá tải đơn hàng còn không có mà bán".
Theo chị Nhi, cá chép "hand made" được làm bằng rau câu, cốt dừa vị ngọt nhẹ, thanh mát. Đặc biệt, màu sắc hoàn toàn tự nhiên, không dùng phẩm màu công nghiệp hay hương liệu. Sau khi cúng xong, các gia đình có thể bỏ vào ngăn mát tủ lạnh dùng dần, với thời gian bảo quản từ 4 - 5 ngày.
Mặt hàng từng khá "hot" một thời nay không còn thịnh hành. Nhiều người bán hàng online cho biết dự định "khóa sổ" vào ngày 20 tháng chạp và bắt đầu giao cá cho khách từ ngày 21 - 23 tháng chạp; nhưng đến chiều 1.2 (tức 22 tháng chạp) vẫn sẵn sàng giao ngay nếu khách có nhu cầu, kể cả có đơn hàng giao vào sáng 23 tháng chạp cũng vẫn nhận.
Đến chiều 1.2, chị Hương Lan, một người bán hàng online tại khu chung cư ở Dương Nội (Q.Hà Đông, Hà Nội), đã phải hạ giá bán cá để lấy tương tác.
Chị Hương Lan chia sẻ: "Bình thường, tôi bán theo bộ. Bộ 1 cá, 3 thỏi vàng có giá 75.000 đồng/bộ; bộ 1 cá, 5 thỏi vàng có giá 90.000 đồng/bộ; bộ 3 con giá 200.000 đồng/bộ. Năm nay, bán hàng ế ẩm quá, tôi phải hạ giá còn 50.000 đồng/bộ to, 40.000 đồng/bộ nhỏ. Khách hàng có thể lựa chọn mua lẻ từng con cũng được, hoặc thích mua set 1 cá, 7 - 9 thỏi vàng tôi cũng ship ngay và luôn".
Không chỉ thạch cá chép, các mặt hàng cá "hand made" khác như: chè trôi cá chép giá 95.000 đồng/bộ; bánh trôi cá chép giá 70.000 đồng/bộ; bánh bao cá chép giá 100.000 đồng/bộ; xôi cá chép giá 30.000 đồng/con cũng không còn đắt hàng như trước.
Chị Hà Liên, nhân viên văn phòng ở Q.Đống Đa, cho hay: "Hai năm trước, do dịch Covid-19 hạn chế đi chợ búa, phóng sinh cá nên tôi mới mua cá chép thạch rau câu về cúng. Năm nay kinh tế khó khăn, ai cũng phải tính toán tiết kiệm từng đồng. Cá chép đỏ đủ kích cỡ đang được bán ở chợ với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/bộ (3 con), rẻ hơn nhiều so với mua cá giả, nên mình cứ theo truyền thống mà làm".
Tuy nhiên, vẫn có những người lựa chọn mua thạch cá chép về cúng như chị Phạm Thị Thanh, nhân viên ngân hàng tại Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội). Chị Thanh chia sẻ: "Tôi ở chung cư, xa ao hồ, đi phóng sinh cá hơi bất tiện. Hơn nữa, năm nào báo chí cũng đưa hình ảnh người dân vứt đầy túi nilon sau khi thả cá, cá chết sau khi thả... Việc phóng sinh cá vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường".
Theo GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, dân gian quan niệm, cá chép chính là phương tiện để các vị thần cai quản căn bếp nói riêng hay ngôi nhà nói chung của gia đình sử dụng để bay lên trời. Từ đó có thể báo cáo với thiên đình những thành tựu, việc làm mà gia chủ đã thực hiện được trong suốt 1 năm qua.
Việc chọn loại cá chép cúng ông Công, ông Táo tùy thuộc vào hoàn cảnh cũng như điều kiện, nhu cầu, sở thích của từng gia đình. Vì vậy, chỉ cần mâm cúng có cá chép là được, không quan trọng là cá chép thật hay giả.
Bình luận (0)