Cả tuyến kênh dài hơn 2 km, tôm cá tự nhiên chết nổi lình phình trên mặt nước. Nhiều người dân đã tranh thủ ra bờ kênh vớt những con cá vừa chết ngộp.
Ông Đặng Văn Vũ, một người sống bằng nghề đặt lú tại ấp Sáu Biển, cho biết: “Thật là một ngày kỳ lạ, cá sa vào lú của tôi nhiều chưa từng có, ước tính trên 100 kg các loại, nhưng toàn là cá chết”. “Từ xưa đến nay tôi chưa từng thấy cảnh tượng như vậy, bàu sò huyết của tôi, cũng như hàng trăm hộ khác trước mắt chưa thấy thiệt hại gì, nhưng trong vài ngày tới không biết rồi sẽ ra sao”, ông Đỗ Văn Thích, người nuôi sò huyết tại khu bãi bồi ven biển xã Nam Thái bày tỏ.
Trao đổi với Thanh Niên ngày 2.6, ông Đỗ Văn Độ, Trưởng ấp Sáu Biển, cho biết: “Ngay trong buổi sáng, người dân trong ấp đã vớt trên 500 kg cá các loại, nhưng đó chỉ là số cá vừa mới chết, còn một lượng rất lớn cá đã ươn trôi ra biển. Tuy không ai nuôi và không của riêng ai, nhưng hiện tượng tôm, cá chết hàng loạt tại tuyến kênh này là một thiệt hại lớn, không chỉ đối với những người chuyên sống bằng nghề đánh bắt hải sản, mà còn khiến nhiều người lo lắng, nhất là những hộ nuôi trồng thủy sản tại địa phương".
|
Ông Huỳnh Văn Quýt, Phó chủ tịch UBND xã Nam Thái, cho biết thêm: “Ngay sau khi sự việc xảy ra, tôi đã trực tiếp cùng tổ kinh tế kỹ thuật trực tiếp đến hiện trường khảo sát tình hình, đồng thời liên lạc với ngành chuyên môn cấp trên giúp địa phương xác định nguyên nhân cá chết”. Để giải quyết tình thế trước mắt, ông Quýt cho biết xã đã khuyến cáo những hộ nuôi tôm ấp Sáu Biển không nên bơm nước vào ruộng tôm trong thời điểm này, nhằm tránh thiệt hại có thể xảy ra.
Thạc sĩ Lư Trí Tài, cán bộ Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Qua kiểm tra nguồn nước và mẫu cá chết, nguyên nhân cá chết tại ấp Sáu Biển là do nguồn nước ô nhiễm, hàm lượng ô xy thấp (dưới 1,4 mg/lít) và hàm lượng NO2 cao. Mổ các mẫu cá chết cho thấy nội tạng của cá bình thường, không có biểu hiện nhiễm chất độc, vi khuẩn”, ông Tài khẳng định.
Giang Sơn - Hoàng Phong
Bình luận (0)