Có tên khoa học Latimeria chalumnae, loài cá đã tồn tại từ trước thời khủng long thật sự là những cá thể sống chậm chạp.
Đồng tác giả báo cáo Bruno Ernande, nhà sinh học biển tiến hóa của Viện Nghiên cứu Hải dương Pháp, cho hay chúng di chuyển chậm rãi, con cái phải đợi gần 60 tuổi mới trưởng thành, trong khi con đực giao phối từ năm 40 đến 69 tuổi. Kỳ quặc hơn nữa, các nhà nghiên cứu phát hiện chúng mang thai đến 5 năm.
Thai kỳ kéo dài ở loài coelacanth đặc biệt hiếm gặp, dù ở loài cá hay động vật, theo chuyên gia Harold Walker của Viện Scripps Hải dương học ở San Diego, California (Mỹ).
Trước đây, cộng đồng khoa học vẫn cho rằng loài cá trên đã tuyệt chủng vào cuối kỷ Phấn Trắng, tức cách đây 66 triệu năm. Các hóa thạch của chúng cho thấy loài này đã sinh sống trong các đại dương của địa cầu cách đây khoảng 420 triệu năm.
Đến năm 1938, một cá thể duy nhất của Latimeria chalumnae bất ngờ được phát hiện ở ngoài khơi bờ biển Nam Phi, gây sốc cho toàn bộ cộng đồng khoa học thời đó. Nó được nhận dạng qua các đặc điểm như có 8 vây, nặng trung bình 80 kg và dài 2 m.
Giới khoa học vốn cho rằng chúng chỉ sống khoảng 20 năm, nhưng kết quả nghiên cứu mới cho thấy loài này phải thọ đến 100 tuổi. Hiện coelacanth bị xếp vào loài nguy cấp, nên các chuyên gia chỉ có thể nghiên cứu những mẫu vật đã chết.
Các chuyên gia bảo tồn cảnh báo loài cá trên có thể đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì hoạt động đánh bắt cá bằng những ngư cụ có thể vét sâu xuống thềm biển từ 100 - 150 m.
Bình luận (0)