“Cá hóa thạch bốn chân”, tên khoa học là Latimeria chalumnae, vẫn sống khỏe ở vùng biển Tây Ấn Độ Dương, ngoài khơi đảo quốc Madagascar, theo trang tin Mongabay News chuyên về bảo tồn môi trường.
Trước đây, cộng đồng khoa học vẫn cho rằng loài cá trên đã tuyệt chủng vào cuối kỷ Phấn Trắng, tức cách đây 66 triệu năm. Các hóa thạch của chúng cho thấy loài này đã sinh sống trong các đại dương của địa cầu cách đây khoảng 420 triệu năm.
Đến năm 1938, một cá thể duy nhất của Latimeria chalumnae bất ngờ được phát hiện ở ngoài khơi bờ biển Nam Phi, gây sốc cho toàn bộ cộng đồng khoa học thời đó. Nó được nhận dạng qua các đặc điểm như có 8 vây, nặng trung bình 80 kg và dài 2 m.
Theo Mongabay News, sự lộ diện mới đây của loài cá trên là do những người đánh cá đã sử dụng ngư cụ đặc biệt, có thể vét sâu xuống thềm biển từ 100 - 150 m.
Các chuyên gia bảo tồn cảnh báo Latimeria chalumnae có thể đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì hoạt động đánh bắt cá, đặc biệt là cá mập để lấy vây, gia tăng tại vùng biển quốc tế ngoài khơi Madagascar.
Họ kêu gọi cộng đồng thế giới hãy nỗ lực bảo tồn loài cá đã vất vả tồn tại được hàng trăm triệu năm qua để sống sót đến ngày nay.
Bình luận (0)