Ngày nay có khoảng 10.000 loài chim sinh sống khắp địa cầu, nhưng chỉ có vài loài được trời phú năng lực săn đêm. Từ lâu, giới khoa học tự hỏi liệu các loài khủng long theropod (nhóm ông tổ của loài chim hiện đại) có sở hữu năng lực tương tự hay không.
Báo cáo mới của nhóm do giáo sư Jonah Choiniere của Đại học Witwatersrand (Nam Phi) dẫn đầu đã sử dụng các ảnh chụp CT và những thông số đo đạc chi tiết để thu thập kích thước mắt và tai trong của gần 100 loài chim hiện đại và những chủng loài khủng long đã tuyệt chủng.
Đội ngũ chuyên gia phát hiện nhiều loài khủng long theropod ăn thịt như Tyrannosaurus và Dromaeosaurus đều chọn săn vào ban ngày, đồng thời sở hữu thính giác ở mức trên trung bình để phục vụ cho việc săn mồi, theo Đài CNN hôm 7.5.
Tuy nhiên, một loài theropod đặc biệt, có tên khoa học là Shuvuuia (thuộc nhóm khủng long alvarezsaur) đều có thính giác và thị giác xuất sắc. Có vẻ như Shuvuuia sở hữu bộ phận ốc tai kích thước đáng nể, tương tự như loài cú ngày nay.
Mắt của chúng cũng có đồng tử phân bổ theo tỷ lệ lớn nhất từng được đo đạc trong số chim chóc và khủng long. Cả hai đặc điểm này cho thấy chúng nhiều khả năng có thị lực tuyệt vời trong điều kiện đêm tối.
Shuvuuia có kích thước chỉ bằng gà nhà, và sống trong môi trường sa mạc mà ngày nay là Mông Cổ. Bộ xương của Shuvuuia nằm trong số những khung xương kỳ quặc nhất từng được phát hiện ở loài khủng long.
Dựa trên những phát hiện mới về thị giác và thính giác, các nhà khoa học hình dung Shuvuuia là loài săn đêm, sử dụng năng lực nghe – nhìn đáng nể để phát hiện con mồi, và đôi chân dài để rượt đuổi và khống chế mục tiêu.
“Hoạt động về đêm, năng lực đào bới, và đôi chân dài là tất cả những đặc điểm cấu tạo nên những loài động vật trong sa mạc ngày nay. Thế nhưng, ngạc nhiên thay chúng ta lại phát hiện tổ hợp tương tự ở một loài khủng long sống cách đây hơn 65 triệu năm”, theo giáo sư Choiniere.
Bình luận (0)