Cá lại chết ở nhiều nơi
16/09/2016 00:00 GMT+7
Trong những ngày qua, hiện tượng cá chết đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh rồi đến Quảng Nam.
Tự động phát
Hàng tấn cá chết trên sông, dân vớt đi tiêu thụ
Sáng sớm 15.9, người dân thôn Đông Hồ (xã Điện Hòa, TX.Điện Bàn, Quảng Nam) phát hiện tình trạng cá chết và lừ đừ nổi tại khúc sông thuộc nhánh Thu Bồn - Vu Gia, đoạn qua thôn Đông Hồ. Hàng trăm người dân địa phương kháo nhau và mang vợt, thùng ra vớt từ sáng sớm đến tận trưa, ước tính hơn 1 tấn cá. Người dân khẳng định đây là cá tự nhiên (gồm cá trắm, chép, gáy, leo)… có những con rất to từ 2 đến hơn 3 kg.
Ngay trong buổi sáng cùng ngày, Công an xã Điện Hòa và cơ quan chuyên môn đã có mặt xem xét hiện tượng bất thường này. Ông Lê Văn Nuôi, Bí thư Chi bộ thôn Đông Hồ, cho biết đây là lần đầu tiên địa phương xuất hiện tình trạng trên. Theo ông Nuôi, nước sông hiện có màu đục đen rất lạ, không giống màu của phù sa. Người dân địa phương nghi ngờ số cá này ở thượng nguồn theo nước lũ sự cố thủy điện Sông Bung 2 vỡ đập thủy tràn về.
Đến chiều 15.9, hiện tượng này không chỉ xảy ra ở đoạn sông chảy qua xã Điện Hòa (gồm thôn Đông Hồ, La Thọ 1, La Thọ 3) mà còn rải rác ở các xã Điện Thọ, Điện Thắng, Điện An. Tuy nhiên, trong khi cán bộ Phòng TN-MT thị xã Điện Bàn lấy mẫu nước và mẫu cá đưa đi xét nghiệm, thì hàng trăm người dân vẫn túc trực ở các khúc sông từ sáng sớm đến tận chiều, vớt cá đưa đi tiêu thụ ở các chợ trong vùng.
Còn tại Hà Tĩnh, liên tiếp trong 4 ngày qua, cá và hàu nuôi tại vùng biển Cửa Sót (xã Thạch Bằng, H.Lộc Hà) của HTX Hợp Lực do ông Nguyễn Hồng Sơn làm chủ nhiệm đồng loạt chết. Tính đến ngày 15.9, khoảng 2 tấn cá mú, 1 tấn cá hồng mỹ và khoảng 60 tấn hàu chết, nổi trắng lồng nuôi, thiệt hại ước tính khoảng 2,5 tỉ đồng. Ông Sơn cho biết số cá và hàu này được thả nuôi vào tháng 2, dự định tháng 7 sẽ thu hoạch nhưng vì sự cố biển nhiễm độc do Formosa xả thải, hải sản trên không tiêu thụ được, nên HTX giữ lại nuôi. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó phòng NN-PTNN H.Lộc Hà, cho biết đã lấy mẫu cá, hàu chết đưa đi phân tích, bước đầu cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân do nhiều ngày qua trên địa bàn xuất hiện mưa lũ lớn, phải xả lũ, nước ngọt chảy trực tiếp vào khu vực nuôi cá lồng, làm độ mặn của nước giảm đột ngột xuống còn 0%; đồng thời còn do khối lượng bèo, phù sa từ thượng nguồn theo nước lũ đổ về khiến hàm lượng ô xy trong nước giảm.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã liên tiếp xảy ra 6 vụ cá nuôi và cá tự nhiên chết hàng loạt từ tháng 5 đến nay. Vụ mới đây nhất, trong các ngày 5 - 8.9, tại khu vực vịnh Nghi Sơn (H.Tĩnh Gia, Thanh Hóa) xảy ra tình trạng cá tự nhiên và cá lồng chết hàng loạt. Ngư dân các xã Tĩnh Hải và Hải Yến (H.Tĩnh Gia) khi đánh bắt hải sản tại vùng biển gần bờ, phía sau dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (cách bờ biển từ 300 - 500 m) phát hiện cá bơn, cá thèn, ghẹ… chết bất thường và khoảng 300 kg cá chết trôi dạt vào bờ biển. Trong khi đó, gần 50 tấn cá nuôi lồng gồm cá mú, cá hồng, cá hồng đỏ, cá vược… của người dân xã đảo Nghi Sơn (H.Tĩnh Gia) đồng loạt chết.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT cử chuyên gia, nhà khoa học vào kiểm tra thực tế, xác định chính xác nguyên nhân cá chết.
|
Không sử dụng cá chết làm thực phẩm
Trả lời Thanh Niên, ông Lưu Trọng Quang, Phó giám đốc phụ trách Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa, cho biết Sở TN-MT kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chính quyền các địa phương theo dõi tình hình, khuyến cáo người dân không sử dụng cá chết làm thực phẩm hoặc chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm mà phải thu gom, tiêu hủy. “Hiện chúng tôi đang phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát việc xả thải của các cơ sở sản xuất ở các khu vực ven sông, suối trên địa bàn toàn tỉnh và kiên quyết xử lý”, ông Quang nói.
Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở NN-PTNT Hà Tĩnh), khuyến cáo, hiện đang là mùa mưa lũ, điều kiện thời tiết rất bất lợi, người nuôi trồng thủy sản theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mực nước lũ trên các con sông dẫn nước vào ao, lồng nuôi, đặt ống xả tràn, lưới đăng chắn tránh nước dâng... Tôm, cua, cá... nuôi đạt kích cỡ thu hoạch cần thu hoạch, tiêu thụ kịp thời. Ngoài ra, cần phải chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi trong mùa mưa lũ.
|
Bình luận (0)