Khi vụ mùa đã xong, khi những cánh đồng còn trơ gốc rạ, đây đó thoang thoảng mùi hương của rơm, của lúa, của cả những bãi sình non… Nắng cũng bắt đầu chang chang trên những cánh đồng, đìa, bàu, ao, sông, rạch dần cạn nước thì người nông dân miền cực Nam này trong lúc tạm rảnh tay rảnh chân, chuyển sang công việc tát ao, tát đìa bắt cá để cải thiện bữa ăn và nếu có dư thì làm mắm dự trữ cho mùa mưa sắp đến và nhất thiết phải để dành cho bằng được trong nhà vài khạp cá đủ loại để đổi món cho những ngày giáp hạt… Về quê tôi, Cà Mau, ăn cá lóc nướng trui để cảm nhận quê hương trong từng hơi thở.
Món ăn gây ấn tượng đến sâu đậm trong tâm khảm của tôi đó là cá lóc nướng trui |
TGCC |
Thời đó, cũng tròm trèm 40 năm, tôi cùng gia đình vì cuộc mưu sinh rời bỏ miền Trung khốn khó để vào Nam mong làm cuộc lập thân, lập nghiệp. Cũng là cái thời mà tôi cảm nhận một cách rõ nét nhất cụm từ rừng vàng biển bạc ngay trên chính mảnh đất mà ngày nay tôi xem chính là quê hương của mình.
Với tính cách giản đơn thì cư dân miền mở cõi luôn chế biến thức ăn từ sản vật có được một cách đơn giản cho phù hợp với hoàn cảnh sống, phù hợp với tính cách của những con người khẳng khái, hào phóng không câu nệ, không chấp nhất. Có một món ăn mà không thể quên được, món ăn gây ấn tượng đến sâu đậm trong tâm khảm của tôi đó là cá lóc nướng trui… Những hình ảnh từng đoàn, những đứa trẻ vô tư mặc quần ngắn, ở trần, tóc tai vàng cháy cột túm sau gáy, bên hông mang cái giỏ, tay cầm cái rổ nhỏ ngồi trên bờ coi người lớn tát đìa, chờ khi nước cạn người lớn bắt qua một lượt cá thì cả bọn nhảy xuống “bắt hôi”.
Ngày đó, đồng ruộng, ao đìa chưa bị săn lùng ráo riết như bây giờ, thuốc trừ sâu chưa có nhiều trên những đồng đất xứ này, con cá con tôm thỏa sức vẫy vùng, sống an bình nhiều năm mà không bị con người lùng bắt nên có nhiều con cá lóc, cá trê khi bắt lên có người đặt tên là cá cha, vì nó nặng tới 3 - 4 kg. Thịt cá chắc, ngọt, bỏ vô miệng nhai, nuốt tới đâu nghe ngon tới đó – mà người đời thường nói “ngậm mà nghe!”.
Vào Nam, cũng có miếng vườn, vườn nhà tôi lúc đó cũng có mấy cái đìa, năm nào gần tết, ba tôi thường tổ chức tát đìa. Khỏi phải nói quang cảnh nhộn nhịp của ngày tát cá như thế nào. Trước ngày tát cá, gia đình đã chuẩn bị lu, hũ, khạp da bò để rọng cá; ba tôi thì vội vàng đi mướn chiếc máy nổ và khỏi cần gọi thì mấy cậu thanh niên trong xóm cũng tới phụ việc. Ai nấy đã thành thạo việc bắt cá hằng năm nên khỏi cần chỉ dẫn, công việc vẫn chạy một cách thuận lợi.
Khi cái máy bơm gần cạn nước thì mấy chàng thanh niên chuyển qua tát gàu vai, nước càng cạn cá nổi lên càng nhiều, nhảy rồ rồ dưới mặt nước lấp xấp, mấy chú cá lóc cố tung mình vọt lên cao để thoát thân, còn mấy chị tôm càng thì quơ râu dày đặc, những chiếc càng như những chiếc đũa đưa lên khỏi mặt nước trông thật vui mắt, tép bạc đất nổi lềnh khênh bắt không kịp. Những người có tay sát cá nhảy xuống trước, họ chộp mấy con cá lóc bự lên rọng nước cho nó tỉnh táo sạch sẽ để mấy bà nội trợ làm món ăn, mấy con tôm cũng được tiếp tục hốt lên rọng nước trước. Cá trê, cá rô, lươn, cá chình, cá chạch là những loại chui sâu, luồn kỹ nên phải chờ nước thật cạn mới nắm đầu nó được. Trong khi đó, những người phụ nữ lo chuẩn bị bữa cơm cho tươm tất, nào rượu đế để mấy ông đưa cay, nào lo nấu nướng mấy món ăn ngon để bồi dưỡng cho bộ phận tát đìa. Món ăn được mọi người ưa thích nhất vẫn là món cá lóc nướng trui, bất kỳ nhà nào tát đìa cũng phải làm để cánh đàn ông đưa cay.
Cá lóc nướng trui được chấm bằng muối cục đâm nhuyễn với những trái ớt hiểm hái vội bên vườn, rau sống thì có đủ loại... |
TGCC |
Những con cá lóc vừa ăn không lớn quá cũng không nhỏ quá được xiên từ miệng đến đuôi bằng cái que tre còn tươi, những cái que cá được cắm xuống đất, rơm chất chung quanh với lượng vừa đủ, cái khéo của người nướng là biết chất rơm tới mức nào là đủ, làm thế nào rơm vừa tàn thì cá cũng vừa chín. Cá nướng chín quá thì mất ngọt, chưa đủ đô thì thịt nhão và tanh. Rơm nhiều thì cá khét. Rơm ít, nướng nửa chừng chất rơm thêm thì khúc đầu sống, khúc đuôi khô nước. Trong khi than còn đượm, thì bọn trẻ tranh thủ nướng thêm tôm càng hoặc những con rắn bông súng mà chúng bắt hôi được khi dọn đìa. Nướng con nào chúng “giải quyết” ngay con nấy cho nóng hổi vừa thổi vừa ăn, vừa ăn vừa nướng, tay làm hàm nhai ngon đến nỗi nuốt không kịp thở.
Bữa ăn chính với cá lóc nướng trui được chuẩn bị chu đáo lắm. Ăn cá lóc nướng trui mà ăn với mắm me là không phải dân khẩn hoang, không phải dân Cà Mau. Cá lóc nướng trui được chấm bằng muối cục đâm nhuyễn với những trái ớt hiểm hái vội bên vườn. Rau sống thì có đủ loại của các loại rau đồng và rau thường như: diếp cá, húng cây, húng lủi, tía tô, đọt dừng, đọt sộp, đọt cóc, đọt xoài, chuối chát, nếu có xoài non thì bằm nhuyễn cho thêm hương thêm vị. Khi cá tôm bắt đầy lu đầy hũ rồi, mọi người tắm sơ cho sạch bùn rồi bắt đầu quây quần bên mâm cơm cạnh đìa. Đã đói bụng nhưng cũng từ từ cuốn miếng rau với cá sao cho khéo, cho bắt mắt để miếng ăn ngon hơn. Rau xanh sắp có lớp có lang, đặt miếng cá trắng phau còn nóng hôi hổi vào giữa, gói lại chấm vào chén muối cục đâm nhuyễn với ớt hiểm, cho vào miệng và rồi đưa cay bởi cốc rượu đế sủi tăm… cả đất trời phương Nam đang tan dần trong từng thớ thịt, từng mạch máu của người phương Nam.
Tôi đã thành người phương Nam tự bao giờ…
Rồi sau khi nghỉ hưu tôi cũng quy cố hương về lại với Huế nơi chôn rau cắt rốn và hôm nay trong một ngày mưa lại quá nhớ về những món ăn thời khẩn hoang giản đơn như chính tính cách đơn giản, hào phóng, nghĩa tình của người Cà Mau.
Nhớ lắm Cà Mau ơi!
…Cà Mau mùa lung linh nắng
Đất thơm biển bạc rừng vàng
Trái tim vẹn nguyên hào phóng
Yêu người nỗi nhớ thênh thang...
Bình luận (0)