Lòng người rộng như sông…

13/10/2022 11:00 GMT+7

Thiệt lạ, sinh ra và lớn lên ở vùng sơn cước của Quảng Nam tôi lại đâm ghiền mảnh đất miền Tây bạt ngàn sông nước.

Tôi ghé miền Tây không nhiều, chủ yếu trong những cuộc rong chơi với bạn bè bất chợt. Vậy mà xứ sở chằng chịt sông ngòi ấy cứ để lại những luyến lưu trong lòng. Như chiều nay, ngồi mé sông Sài Gòn dập dềnh lục bình ăn lẩu mắm lại nhớ nồi lẩu mắm ở An Giang của cậu Tám nhiều năm về trước.

Lòng người miền Tây cứ rộng như sông. Vậy mà mình vô tình nhớ được mấy quãng?

thanh dũng

Đợt đó trúng dịp nghỉ lễ, bạn rủ về An Giang chơi. Bạn với tôi là sinh viên chung dãy phòng trọ. Nhà bạn giản dị, sau lưng cánh đồng xanh rì, trước mặt là dòng sông nhỏ lững lờ. Ở mé sông có cái sàn nước bằng gỗ để má bạn ngồi nhặt rau làm cá. Cậu Tám đang ngồi đưa võng thấy chúng tôi về mừng rỡ. Cậu là em ruột của má bạn, nhà sát vách. Tối đó, cậu dặn má đừng có nấu cơm “để tui nấu đãi tụi nó nồi lẩu mắm ăn hết sảy”. Rồi cậu lẹt quẹt dép đi làm cá chuẩn bị.

Tối đó cả nhà ngồi xếp bằng quanh nồi lẩu bốc khói thơm điếc mũi. Cậu Tám còn xách qua chai rượu chuối hột lai rai với ba. Cậu hỏi tôi ở ngoài Trung vậy có biết ăn lẩu mắm không? Tôi gật đầu, ở Sài Gòn thỉnh thoảng ra quán cũng có ăn. Cậu nói, "Ăn lẩu mắm mà vô quán máy lạnh, ngồi bàn cao, xung quanh người ta đi lại ì xèo thì còn gì là lẩu mắm nữa. Nè, để cậu chỉ bây ăn nghe. Ăn lẩu mắm là phải ngồi ngoài sân hay ngồi gần mé sông gió mát rượi như vầy nè. Rau ăn lẩu đừng có ăn mấy rau mà người ta đóng bao bán siêu thị. Phải là rau kèo nèo, bông lục bình, bông súng, so đũa, điên điển, rau muống đồng, rau má, rau đắng, lá hẹ rồi có bắp chuối bào nữa… Kể ra cũng mười mấy, hai chục loại rau đó bây. Bỏ mỗi thứ vô nồi, sao cho đủ vị chát, đắng, ngọt, giòn… Bỏ vô nồi đừng để rau sôi lâu quá, nó mềm hổng ngon. Vớt một đũa rau, há miệng thiệt to rồi nhai". "Nè" - ông đưa tay gõ nhẹ vào đầu gối tôi - "Ăn lẩu mắm đừng có giữ kẽ. Ăn mà từ tốn, hiền lành quá sao mà ngon được. Cứ nhoàm nhoàm, cứ hào sảng, cứ há miệng thật to mà nhai mà ăn. Gỡ miếng cá chấm nước mắm me rồi cắn bụp trái ớt thiệt cay nữa. Rồi nhấp ngụm rượu nữa, ta nói nó đã".

Cậu đưa tay vỗ đùi cái đét. Tôi ngồi nghe như nuốt từng lời, cậu Tám cứ liên tục giục tôi ăn mạnh lên, mười chín, hai mươi gì mà ăn yếu nhớt. Ba bạn gắp bỏ vào chén tôi con tôm, má bạn gắp cho tôi khúc cá. Ngồi giữa mâm cơm nhà bạn mà tôi có cảm giác mình y chang đứa con đi xa mới trở về. Cậu Tám bảo tôi mai qua nhà cậu kéo tôm lên luộc ăn, ở dài ngày thì ra đồng tát đìa bắt cá đồng. Cậu nói xứ này giờ cá cũng ít rồi, thuở cậu còn nhỏ xíu, mang rổ ra đồng một chặp là có cá ăn cả tuần. Trong vườn nhà cậu trái cây ê hề, để bữa nào đi cậu hái gửi cho bộn, chia hết cho mấy phòng trọ ăn cho đã. Cậu tặc lưỡi, ở quê rau cỏ rẻ rề mà cậu nghe nói trên thành phố cái gì cũng mắc.

Sự mến khách, hào sảng của cậu làm tôi nhớ những ngày đi điền dã ở Tiền Giang vô cùng. Năm cuối đại học, chúng tôi khoác ba lô xuống Tiền Giang sưu tầm ca dao, tục ngữ trong dân gian theo chương trình học của khoa văn. Đám sinh viên mặt non choẹt làm cả xóm xôn xao, ra nhìn. Chúng tôi chia nhau xin ở ké, ngày ngày lội bộ tìm những ông bà để nghe họ đọc ca dao, tục ngữ rồi ghi chép lại. Có những buổi chiều bên dòng kênh nghiêng bóng dừa, những câu hò tưởng chìm vào quên lãng lại được ngân lên xao động.

Người dân thương tụi sinh viên. Thỉnh thoảng chúng tôi đi ngang lại được ngoắc vào cho nải chuối, mớ rau, trái ổi… Có khi còn được cho cả con cá to đùng vừa được kéo ở ao lên. Chúng tôi đứa Trung, đứa Bắc, vậy mà ở xứ người lạ hoắc lại leo hái đã đời mấy cây so đũa buông bông trắng muốt về nấu canh chua. Bữa khác lại ngồi ăn đám giỗ, mấy cô mấy dì cứ giục ăn hết món này đến món khác.

Có người đàn bà nhận chúng tôi làm con nuôi. Bà nói mình đẻ một hơi mấy đứa con trai, thấy con gái bà thương gì đâu. Má nuôi cứ nhắn, ngày ngày đi sưu tầm thì ghé nhà đem trái cây, hái rau về nấu. Một bữa chúng tôi không ghé, bà lội bộ qua nhà chúng tôi đang ở ké đưa cho con cá rô phi thiệt bự rồi về.

Ở đó đâu chừng 2 tuần, chúng tôi quay ngược lên thành phố. Bà Năm chủ nhà kéo vạt áo lau nước mắt. Bà nói ở với nhau mấy tuần, vậy chứ biết hồi nào gặp lại. Má nuôi dặn, mai mốt lên thành phố rồi nhớ về thăm. Vậy mà, Sài Gòn với Tiền Giang xa xôi là mấy, ngồi xe đò chỉ 2 tiếng nhưng chúng tôi tốt nghiệp ra trường chưa ghé thăm lại lần nào.

Bữa tôi ở nhà bạn lên thành phố, cậu Tám cột bịch lớn bịch nhỏ cho bao nhiêu thứ. Ổi lê, mãng cầu, bưởi năm roi, mớ khô cá lóc…Lúc chúng tôi dặm bước định ra ngoài đường lớn bắt xe, cậu lại ngắt cho mấy trái xoài bắt nhét vào ba lô, bảo có khô mà quên hái xoài. Cậu bảo lên nhà trọ, kêu mấy đứa sinh viên qua chia quà. Cậu đứng ở ngã ba đường, vẫy tay chào chúng tôi cho đến khi xe khuất hẳn. Cậu nói, mai mốt cậu gửi lên nữa.

Tưởng cậu nói chơi, ai ngờ đợt nào bạn về quê cũng xách cho tôi lỉnh kỉnh quà. Bạn nói, cậu Tám nhắc tôi suốt. Cái con bé miền Trung mà ít nói, hiền lành, bữa nào rảnh thì ghé xuống cậu chơi, nấu lẩu mắm ăn cho đã thèm. Bạn nói, cậu Tám xưa thương một cô xóm trên mà cha má người ta hông chịu. Người ta lấy chồng, sinh con đẻ cái, thành sui gia rồi thành bà ngoại mà cậu vẫn ở vậy tới giờ.

Lâu lắc không gặp bạn dẫu chúng tôi ra trường làm chung thành phố. Cái hẹn bữa nào cà phê từ mấy năm trước đến khi sau dịch mới gặp được. Bạn nói cậu Tám mất rồi. Già mất chứ cũng không ốm đau gì. Cậu mất thanh thản lắm… Mắt tôi đỏ hoe. Nhớ lại ông già mặc bộ đồ bà ba màu nâu ngồi bên nồi lẩu mắm cứ giục mình ăn, cứ nói thương mình như ruột rà máu mủ. Bữa lẩu mắm tàn mà cậu cứ ngồi bên chai rượu chuối hột hò mấy câu vọng cổ bên mé nước xôn xao.

Mỗi chuyến đi chỉ ghé lại ít bữa, vậy mà nơi nào cũng nặng nghĩa nặng tình. Lòng người miền Tây cứ rộng như sông. Vậy mà mình vô tình nhớ được mấy quãng?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.