'Cá mập' trên sàn chứng khoán - Bài 2: Bàn tay vô hình tạo sóng

Mai Phương
Mai Phương
12/06/2018 08:00 GMT+7

'Bàn tay vô hình' nào đứng sau việc giá cổ phiếu tăng dựng đứng rồi giảm mạnh; có cổ phiếu tự dưng giao dịch đột biến...?

Lướt theo "sóng tàng hình"
Đầu tháng 6, chị Phượng, một nhà đầu tư tại TP.HCM, được môi giới rỉ tai mua vào cổ phiếu ASM vì có theo dõi thấy hiện tượng thanh khoản tăng đột biến sau những ngày suy giảm trước đó. Môi giới khẳng định cổ phiếu này chắc chắn “sắp có biến”. Nếu "lướt" nhanh, có thể kiếm lời được ít nhất 20% chỉ trong vài phiên. Hiện tượng đó là có thật. Từ khối lượng chỉ dưới 2 triệu đơn vị/phiên trong vòng 2 tuần trước đó, cổ phiếu này đã có giao dịch khớp lệnh tăng lên 3 triệu, rồi 4 triệu và lên hơn 6 triệu đơn vị/phiên kèm theo giá từ 11.800 đồng lên 14.000 đồng.
Chị Phượng lúc đầu còn do dự nhưng đến khi giao dịch lên đến hơn 4 triệu cổ phiếu mỗi phiên kèm theo giá tăng thì cầm lòng không nổi. Chị nhảy vào mua. Dù không biết ai đứng sau nhưng cả môi giới lẫn chị Phượng đều khẳng định, có bàn tay vô hình đang "lái" cổ phiếu này. “Nếu không có bàn tay nào nhúng vô làm sao có giao dịch tăng lên trong khi không có bất kỳ thông tin nào công bố? Hoặc là công ty này sắp sửa có thông tin gì tốt sẽ đưa ra mà có một số nhà đầu tư đã biết nên mua trước”- chị Phượng đặt nghi vấn.
Không chỉ môi giới của chị Phượng nhìn ra vấn đề, hàng loạt môi giới khác "đánh hơi" thấy cổ phiếu này có dấu hiệu đánh lên nên sẽ khuyến khích khách hàng cùng mua vào. Lượng mua càng lớn thì giá cổ phiếu càng đi lên. Đến một lúc nào đó chắc chắn sẽ đến giai đoạn bán ra chốt lời. Đây là kịch bản thao túng phổ biến trên sàn chứng khoán.
Chưa biết chị Phượng sẽ có lời như dự báo của môi giới hay bị thua lỗ nhưng trong quá khứ, không ít nhà đầu tư bị "cháy" tài khoản vì kiểu mua đón đầu tương tự. Thậm chí nhiều nhà đầu tư dù biết rõ giá cổ phiếu đang bị điều khiển nhưng ham lời và tự cho mình đủ thông minh để "nhảy sóng" nên tham gia. 
Nhiều nhà đầu tư ham lời vẫn đu theo cổ phiếu bị làm giá Ngọc Dương
Sập bẫy của chính mình
Nhiều câu chuyện "làm xiếc" chứng khoán vẫn âm thầm được lan truyền trong giới đầu tư và các nhóm môi giới khác nhau.
Từ năm 2017, môi giới vẫn kháo nhau chuyện một nhà đầu tư "tay to" nổi tiếng trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị sụp bẫy của chính mình. Đó là việc cổ phiếu QCG lập kỷ lục tăng giá gấp 7 lần chỉ sau 3 tháng, từ mức khoảng 4.300 đồng/cổ phiếu giữa tháng 3.2017 và chạm ngưỡng 30.000 đồng vào cuối tháng 6.2017. Đặc biệt trong tháng 4.2017, cổ phiếu này có gần 20 phiên tăng trần liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu được cho có thông tin đồn đoán QCG sẽ bán dự án Phước Kiển ở Nhà Bè, TP.HCM và sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường lớn.
Đón sóng, nhà đầu tư L.Q.H đã mua thêm hơn 358.000 cổ phiếu QCG. Cùng vợ, ông H.đã trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này với tỷ lệ sở hữu hơn 14 triệu đơn vị, tương đương 5,11% vốn của QCG. Thế nhưng đến cuối tháng 6.2017, tại Đại hội cổ đông thường niên 2017, QCG cho biết các thủ tục hai bên chưa thống nhất nên thông tin chuyển nhượng thành công dự án Phước Kiển là không chính xác. Ngay sau đó cổ phiếu QCG liên tục rớt giá và đến đầu tháng 8.2017 chỉ còn xoay quanh 17.000 đồng. Ông H. cũng bán ra 300.000 cổ phiếu QCG và không còn là cổ đông lớn.
Chuyện nhà đầu tư lớn bị thua lỗ không phải hiếm nhưng nhiều môi giới cho rằng trong thương vụ này, ông H. có thể đã bị chính những người đã thỏa thuận không bán ra trước đó lại quay đầu "xả hàng" trước khiến ông trở tay không kịp.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM tiết lộ: Tên tuổi một số nhà đầu tư lớn đã trở thành thương hiệu "lái", bao gồm cả ông H. Khi các nhà đầu tư này mua vào hay bán ra, môi giới sẽ rỉ tai cho nhiều khách hàng khác mua theo. Thông tin lan truyền sang những môi giới khác và cứ thế làn sóng mua vào hay bán ra cũng từ đó thành xu hướng. Tất nhiên, lướt sóng thì dù kinh nghiệm bao nhiêu cũng có ngày bị sập sóng. 
“Đây chính là cái bẫy mà một số nhà đầu tư lớn có thể lợi dụng. Ví dụ họ bắt đầu mua ở một tài khoản và nhân viên môi giới thấy thì chỉ cho khách hàng khác mua theo. Nhưng ở tài khoản tại công ty chứng khoán khác họ lại có thể bắt đầu bán ra mà không ai hay biết là của chính họ. Vì vậy mua bán theo nhà đầu tư lớn cũng là con dao hai lưỡi khiến nhà đầu tư mất tiền nhanh chóng”, Tổng giám đốc này chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.