Cà Mau đề xuất Chính phủ hỗ trợ đầu tư thêm hồ chứa nước ngọt

Gia Bách
Gia Bách
01/07/2024 20:18 GMT+7

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề xuất Chính phủ xem xét, hỗ trợ 250 tỉ đồng để đầu tư thêm 1 chứa nước ngọt quy mô 100 ha.

TChiều 1.7, tại Cà Mau, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng ĐBCSL lần thứ 4.

Sớm đầu tư sửa chữa Âu thuyền Tắc Thủ để kiểm soát nước mặn 

Tại hội nghị, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nêu một số hiệu quả của công trình thủy lợi Cái Bé - Cái Lớn trong công tác điều phối nước trữ ngọt, kiểm soát mặn, nhất là việc thay đổi tư duy, tập quán sản xuất theo tinh thần thuận thiên, chủ động, thích ứng.

Cà Mau đề xuất Chính phủ hỗ trợ đầu tư thêm hồ chứa nước ngọt- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái lưu ý nhiều vấn đề với các địa phương vùng ĐBSCL để phát triển bền vững

GIA BÁCH

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng nêu một số khó khăn, thách thức về hiện tượng sạt lở bờ biển đã và đang diễn ra càng nhiều, mức độ nghiêm trọng. Tỉnh hiện có khoảng 122/200 km bờ biển bị sạt lở, trong đó đã đầu tư 82/122 km, còn 39 km chưa được đầu tư khép kín toàn tuyến gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng chục ngàn ha sản xuất trong rừng phòng hộ ven biển và an toàn khu dân cư ven biển.

Từ đó, Kiên Giang kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho tỉnh xây dựng đoạn kè sạt lở với vốn đầu tư khoảng hơn 500 tỉ đồng; sớm đầu tư sửa chữa Âu thuyền Tắc thủ (Cà Mau) để kiểm soát nước mặn.

Đề xuất hỗ trợ Cà Mau khoảng 250 tỉ đồng đầu tư thêm hồ chứa nước ngọt

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thông tin vùng bán đảo Cà Mau chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra ngày càng nhanh hơn và khó khăn về nguồn nước ngọt. 

Ngoài các vấn đề trên, bán đảo Cà Mau còn phải đối mặt vấn đề khan hiếm nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ các dự án (DA) trọng điểm, đặc biệt là DA mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau. 

Cà Mau đề xuất Chính phủ hỗ trợ đầu tư thêm hồ chứa nước ngọt- Ảnh 2.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đề xuất Chính phủ xem xét, hỗ trợ tỉnh khoảng 250 tỉ đồng để đầu tư thêm 1 hồ chứa nước ngọt

GIA BÁCH

Ông Huỳnh Quốc Việt kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép thí điểm giao, cho thuê một phần diện tích đất rừng phòng hộ được bảo vệ sau kè đối với khu đất bị sạt lở để xây dựng công trình, DA phát triển kinh tế; hoặc giao đất ở vị trí khác để thực hiện DA đầu tư theo hình thức BT khi nhà đầu tư đề xuất thực hiện DA kè bảo vệ bờ biển. Đồng thời, cho phép HĐND tỉnh xem xét, quyết định việc thực hiện các DA thí điểm nói trên; cho phép điều chỉnh kịp thời quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng ven biển phù hợp với thực trạng diễn biến sạt lở (không chờ 5 năm theo quy định).

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị các bộ, ngành T.Ư hỗ trợ tỉnh khoảng 197 tỉ đồng khắc phục sạt lở, sụt lún đất; hỗ trợ 1.300 tỉ đồng khắc phục sạt lở bờ biển với chiều dài khoảng 21 km; hỗ trợ 684 tỉ đồng khắc phục 5,7 km bờ sông đang sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Về giải pháp nước ngọt cho khu vực bán đảo Cà Mau, Cà Mau kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo sớm xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đấu nối với DA Quản lộ - Phụng Hiệp; trong đó có hạng mục sửa chữa Âu thuyền Tắc Thủ và các cống trên QL1 nhằm làm chậm quá trình xâm nhập mặn, bổ sung nguồn nước ngọt về Cà Mau. 

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề xuất Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Bộ NN-PTNT xây dựng hệ thống dẫn nước ngọt từ sông Hậu phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho các tỉnh ven biển Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau theo quy hoạch vùng ĐBSCL. Đề xuất Chính phủ xem xét, hỗ trợ khoảng 250 tỉ đồng để Cà Mau đầu tư thêm 1 hồ chứa nước ngọt quy mô khoảng 100 ha nhằm tăng cường khả năng trữ nước ngọt.

 Từng bước cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới  

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, để phát triển vùng ĐBSCL trong thời gian tới, các bộ, địa phương cần đề ra các giải pháp phù hợp với từng thời điểm nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng. 

"Từng bước cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới tại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị cho toàn vùng, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn", Phó thủ tướng nhắn nhủ.

Cà Mau đề xuất Chính phủ hỗ trợ đầu tư thêm hồ chứa nước ngọt- Ảnh 3.

Có nhiều kiến nghị của các địa phương đến Chính phủ tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng ĐBCSL lần thứ 4

GIA BÁCH

Về các giải pháp trong thời gian tới đối với vùng ĐBSCL, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung cơ cấu ngành hàng kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên các ngành lĩnh vực thế mạnh, phải quản trị từ khâu vào đến khâu ra theo hướng sinh thái bền vững, gắn với sản phẩm trọng tâm của vùng, nhất là các mặt hàng, thủy sản, trái cây, lúa gạo. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là DA  điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ bờ biển; phát triển kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch biển, năng lượng tái tạo. Ưu tiên đầu tư đẩy nhanh các DA động lực, công trình trọng điểm có tính lan tỏa lớn, tính liên kết vùng, liên tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. 

Vùng ĐBSCL còn tồn tại, khó khăn, nhất là tác động của biến đổi khí hậu đặc biệt ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước. Hội đồng vùng ĐBSCL kiến nghị cần có cơ chế, chính sách về lĩnh vực nước sạch, nước sinh hoạt cho người dân; hỗ trợ khu vực khó khăn, khan hiếm nguồn nước sạch; cơ chế hỗ trợ nghiên cứu, đầu tư các hệ thống hồ chứa với quy mô lớn (khoảng 30 ha/hồ) trữ nước ngọt dự phòng. Ban hành chính sách phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, trong đó ưu đãi đặc biệt cho người trồng lúa nhằm ổn định vùng sản xuất lương thực lớn của cả nước; chính sách về tạm trữ lúa gạo hỗ trợ nông dân liên kết các chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp thuận thiên, bền vững. Các địa phương trong vùng được phép được chuyển đổi linh hoạt phần diện tích quy hoạch đất trồng lúa kém hiệu quả sang đất trồng hoa màu, trái cây... với định mức vùng ĐBSCL cao hơn ít nhất 30% so với trung bình của cả nước.

Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách đặc thù về thu hút đầu tư phù hợp để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo an sinh cho người dân khu vực ven biển. Nâng mức đặc thù về suất đầu tư cho các công trình giao thông xây dựng mới hoặc bảo trì đối với khu vực ĐBSCL. Chính sách đào tạo thu hút nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại ĐBSCL.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.