Tỉnh Cà Mau đã có hơn 18.000 ha lúa bị thiệt hại do hạn và mặn, tập trung nhiều nhất trên lúa - tôm (hơn 15.900 ha). Hạn hán cũng làm 20.542 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. Cùng với đó, trên 14.000 ha rừng đang ở mức cảnh báo cấp cực kỳ nguy hiểm, khi sự cố xảy ra sẽ không có nguồn nước để xử lý.
Tính đến thời điểm hiện tại, Cà Mau đã có 907 vị trí sụt lún với tổng chiều dài hơn 21.600 m, tập trung gần như hoàn toàn ở huyện Trần Văn Thời với 905 vị trí, chiều dài 21.300 m. Đáng báo động là 2 vụ sụt lún tuyến đê biển Tây với chiều dài gần 200 m thuộc địa bàn xã Khánh Bình Tây (H.Trần Văn Thời), với nhiều vị trí lún sâu khoảng 2 m, giao thông bị chia cắt hoàn toàn, nguy cơ nước mặn xâm nhập vùng ngọt hóa.
Tại vị trí sụt lún trên tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (thuộc ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây), ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học - Địa chất - Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN-MT), nhận định nguyên nhân có thể do mực nước ở dưới kênh dẫn bị hạ thấp quá nhiều so với hằng năm và việc sạt lở đường chỉ xảy ra ở từng đoạn, cho thấy phía sau đường chắc chắn sẽ có một cái ao hoặc hồ nước, dẫn đến sự chênh lệch mực nước giữa trong và ngoài gây ra sạt lở, còn về mặt kỹ thuật làm đường đều ổn định.
Tại hội nghị, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh đang cân nhắc, xem xét và nghiên cứu đến vấn đề ban bố tình huống sự cố công trình. Trước mắt, tỉnh đề xuất đưa nước mặn vào một số tuyến kênh để hạn chế tình trạng sạt lở. Tuy nhiên rất cần sự hỗ trợ của các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, viện để hỗ trợ tỉnh có giải pháp khắc phục hiệu quả nhất.
Về đề xuất trên, GS-TS Tăng Đức Thắng, chuyên gia cao cấp Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, cho rằng việc chuyển đổi mô hình sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ tôm trên vùng ngọt cũng có thể khả thi, tuy nhiên tỉnh Cà Màu cần nghiên cứu thêm.
Bình luận (0)