Cà Mau: Kỷ luật ông Trần Văn Hiếu, nguyên giám đốc Công ty lâm nghiệp U Minh

Gia Bách
Gia Bách
05/07/2022 19:08 GMT+7

Nguyên Giám đốc Công ty lâm nghiệp U Minh Trần Văn Hiếu bị kỷ luật vì hợp tác đầu tư với người thân, cấp đất cho lãnh đạo sai quy định.

Ngày 5.7, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã đưa ra hình thức kỷ luật đối với ông Trần Văn Hiếu, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ (Công ty lâm nghiệp U Minh).

Hợp tác đầu tư với người thân và lãnh đạo

Theo đó, ông Trần Văn Hiếu bị kỷ luật khiển trách về mặt Đảng và chính quyền. Sau khi có hình thức kỷ luật, UBND tỉnh Cà Mau có quyết định miễn nhiệm chức vụ Giám đốc Công ty lâm nghiệp U Minh đối với ông Hiếu.

Trong quá trình làm Giám đốc Công ty lâm nghiệp U Minh, ngoài hợp tác đầu tư với những nhân viên có nhu cầu thiết thực, ông Hiếu còn hợp tác đầu tư với người thân của mình.

Hiện, Công ty lâm nghiệp U Minh đã thanh lý 10 hợp đồng với những người thân ông Hiếu, thu hồi hơn 230 ha đất. Trong đó, 5 hợp đồng thuộc diện hợp tác đầu tư, với diện tích hơn 60 ha; còn lại là diện tích người thân ông Hiếu chuyển nhượng lại những hợp đồng liên doanh liên kết. Ông Hiếu được xác định đã ký cho người thân chuyển nhượng hợp đồng liên doanh, liên kết sai quy định.

Đặc biệt, trong những hợp đồng ông Hiếu ký kết hợp tác đầu tư với 3 người gồm: Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND H.U Minh thời điểm đó.

Dân đòi lại đất rừng không có cơ sở giải quyết

Chính việc hợp đồng với người thân, cán bộ như đã nêu trên gây bức xúc cho người dân địa phương nhiều hộ dân đứng ra tố cáo ông Hiếu. Đồng thời, yêu cầu đòi lại phần đất rừng ông Hiếu giao cho người thân, cán bộ.

Trong đó, có việc 102 hộ dân ấp 2, ấp 14, xã Khánh Hòa cho rằng phần đất Lâm ngư trường 30.4 (này là Công ty lâm nghiệp U Minh) có nguồn gốc là đất của ông bà, người thân của họ đã có công khai phá, canh tác, sử dụng trước năm 1975. Đến khoảng năm 1983 - 1984, Nhà nước đưa phương tiện vào làm đê bao bảo vệ rừng thì phần đất của họ nằm trong lâm phần. Khi đó, lãnh đạo lâm ngư trường phát biểu “Bà con cứ để cho nhà nước làm đê bao bảo vệ rừng, sau này đối với phần đất đó nhà nước giao lại cho người dân để sử dụng".

Sau khi làm đê bao bảo vệ rừng, đến nay, các hộ dân không được giao đất, giao rừng hoặc hợp tác đầu tư nên đòi lại đất cũ. Cụ thể, các hộ dân yêu cầu xin hợp đồng giao khoán đất hoặc hợp tác đầu tư; trả lại phần đất 300 m hậu (nằm trong đê bao Lâm ngư trường 30.4 bị cắt) hoặc kéo dài phần đất đủ 500 m.

Tuy nhiên, theo UBND H.U Minh, việc người dân xin hợp đồng giao khoán đất hoặc hợp tác đầu tư là chưa phù hợp với chủ trương của tỉnh, vì Công ty lâm nghiệp U Minh đang sắp xếp lại doanh nghiệp trình Chính phủ phê duyệt. Do đó, không có phương án giao đất, giao rừng hoặc hợp tác đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt, không có cơ sở để giải quyết theo yêu cầu của người dân.

Còn việc trả lại phần đất 300 m hậu hoặc kéo dài phần đất đủ 500 m, UBND H.U Minh cho rằng chứng cứ của người dân cung cấp không có giá trị pháp lý để chứng minh trước thời điểm khoảng năm 1983 -1984 khi Nhà nước khoanh đê bao bảo vệ rừng, có đất nông nghiệp của bà con nằm phía bên trong đất rừng.

Qua kết quả xác minh của cơ quan chức năng, thu thập tài liệu, chứng cứ thể hiện tại thời điểm khoảng năm 1983 -1984 nhà nước khoanh đê bao, không có cắt đất nông nghiệp của bà con và cũng không ảnh hưởng gì đến đất nông nghiệp của bà con. Việc bà con đòi lại đất không đúng thực tế và không phù hợp với quy định của pháp luật nên không có cơ sở để xem xét giải quyết.

Cũng theo báo cáo của UBND H.U Minh, cơ quan chức năng trả lời không còn đất để giao và cũng không có chủ trương giao khoán cho người dân. Do không được giao đất, các hộ dân ngang nhiên vào khu vực đất rừng của Công ty lâm nghiệp U Minh tại Tiểu khu 030 Liên Tiểu khu 30.4 để cất chòi, đào bới phần đất.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau chỉ đạo Công an H.U Minh khẩn trương điều tra, xác minh, xác định đối tượng có hành vi lôi kéo, kích động, gây mất an ninh trật tự và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; đồng thời tăng cường công tác theo dõi tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống phát sinh ngay từ đầu, không để trở thành điểm nóng, phức tạp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.