Cà Mau: Một kết luận thanh tra... bị điều chỉnh, sửa 3 lần

25/01/2021 14:18 GMT+7

Chánh thanh tra tỉnh Cà Mau tiếp tục ký quyết định với nội dung điều chỉnh một phần quyết định điều chỉnh kết luận thanh tra trước đó.

Ngày 25.1, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Chánh thanh tra tỉnh Cà Mau tiếp tục ký quyết định có nội dung điều chỉnh một phần quyết định điều chỉnh kết luận thanh tra trước đó.
Trước đó ngày 25.5.2020, Thanh tra tỉnh Cà Mau có Kết luận thanh tra (KLTT) số 03/KL-TT (thanh tra về quản lý, sử dụng quỹ BHYT, mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn tháng 1.2014 - 9.2019). Đây cũng là kết luận thanh tra gặp nhiều "sóng gió". Tính cả lần điều chỉnh này, KLTT số 03 được điều chỉnh, sửa đến 3 lần và 1 lần bị chính thanh tra viên của đoàn thanh tra phản đối kết luận thanh tra  (Thanh Niên đã phản ánh).

Không thu 640 triệu đồng mà KLTT trước đó từng kết luận

Theo đó, quyết định này điều chỉnh 1 phần tại Điều 1, Quyết định số 66/QĐ-TT ngày 5.10.20 (quyết định điều chỉnh KLTT số 03 - PV) của Chánh thanh tra tỉnh Cà Mau về thu hồi tiền.
Cụ thể, không thu hồi vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra số tiền 640 triệu đồng trong thẩm định chấp nhận thanh quyết toán 2 loại thuốc (hoạt chất Alpha chymotrypsin hàm lượng 4,2 mg ở gói thầu số 2 và hoạt chất Paracetamol (acetaminophen) hàm lượng 650 mg, loại viên sủi ở gói thầu số 3) đối với đấu thầu thuốc tập trung năm 2017 của BHXH tỉnh Cà Mau.
Sở dĩ Chánh thanh tra tỉnh Cà Mau có quyết định trên, là căn cứ vào thông báo (số 180/TB-VP ngày 15.1.2021) của Văn phòng UBND tỉnh, thông báo kết luận của ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp về rà soát lại việc kiểm điểm trách nhiệm theo KLTT.

Chênh lệch giá thuốc là do chất lượng thuốc và người dân đã thụ hưởng

Theo đó thông báo nêu, KLTT cho thấy Sở Y tế có những sai sót nhưng có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Kết luận liên quan đến Sở Y tế, chỉ còn 2 loại thuốc chưa thống nhất được, vấn đề này cần phải xem xét có tình, có lý. Do sự điều hành từ Bộ Y tế và BHXH  Việt Nam cũng còn những bất cập, làm các cơ quan của địa phương bị lúng túng.
Quá trình thực hiện đấu thầu thuốc, với vai trò là Tổ trưởng bên mời thầu, ông Nguyễn Hoàng Sa, Phó Giám đốc Sở Y tế đã có một số sai sót, nhất là việc đưa vào đấu thầu 2 loại thuốc mà Tổ thẩm định đã yêu cầu không đưa vào kế hoạch đấu thầu. Việc đưa vào đấu thầu 2 loại thuốc trên, không trái quy định, nhưng trong điều kiện quỹ BHYT khó khăn thì cần phải lựa chọn những loại thuốc có cùng công dụng mà giá rẻ hơn để tiết kiệm.
Thông báo cũng nêu, về Thanh tra cũng cần linh hoạt, xử lý; cần rà lại các tỉnh trong cả nước xem giá trúng thầu của Cà Mau có cao hơn các nơi khác không, về cơ sở pháp lý làm căn cứ xác định mức chênh lệch cũng chưa rõ ràng.
Mặt khác, trong số tiền Thanh tra xác định chênh lệch trên 640 triệu thì có trên 294 triệu không thuộc trách nhiệm của Sở Y tế; số còn lại có một phần do Sở Y tế thực hiện, một phần để phục vụ các cơ sở khám chữa bệnh. Vì vậy, quy trách nhiệm toàn bộ 640 triệu cho Sở Y tế là chưa phù hợp.
Về chênh lệch giá thuốc là do chất lượng thuốc, khi sử dụng thì người dân được hưởng lợi, không thất thoát... Vì vậy, nên cần xem xét lại nội dung này để đánh giá, kết luận cho phù hợp, đúng bản chất sự việc.
Ngoài ra thông báo nêu, UBND tỉnh Cà Mau, yêu cầu ông Nguyễn Hoàng Sa nghiêm túc kinh nghiệm trong công tác đấu thầu thuốc chữa bệnh, nhất là phải lựa chọn loại thuốc có chất lượng, giá thành thấp để đảm bảo sử dụng hiệu quả, hạn chế vượt nguồn quỹ bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo Thanh tra tỉnh này, rà soát cơ sở pháp lý quy định, cân nhắc kỹ lại số tiền chênh lệch giá trên 640 triệu do sử dụng 2 loại thuốc trên để xử lý đảm bảo chặt chẽ, phù hợp, đúng quy định.
Trước đó, trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại, ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói: "Trên cơ sở nhiều nơi chưa đồng ý với kết luận thanh tra về xuất toán 2 loại thuốc chênh lệch giá trên. Nên tỉnh phải hợp và phân tích kỹ, căn cứ vào các quy định của pháp luật và ý kiến của các đơn vị liên quan. Và Thanh tra sẽ xem xét lại, vì đó không phải là thất thoát mà nó là chênh lệch giá của 2 nhóm thuốc, mà người dân đã hưởng thụ".

Thanh tra từng kết luận nêu rõ trách nhiệm của từng cá nhân

Như Thanh Niên thông tin, theo KLTT  ông Nguyễn Hoàng Sa chịu trách nhiệm về các sai phạm trong đấu thầu thuốc với vai trò là Tổ trưởng bên mời thầu. Đồng thời, ông Sa cũng là Tổ trưởng tổ chuyên gia và tổ chuyên môn đấu thầu mua thuốc năm 2017 theo quyết định của Giám đốc Sở Y tế Cà Mau.
Thẩm định chấp nhận thanh toán đối với 2 loại thuốc trên không đúng quy định số tiền 640 triệu đồng. Ngoài ra, ông Sa còn cho phép 11 công ty không đủ điều kiện pháp lý trúng thầu. Thanh tra cũng kết luận trách nhiệm trên thuộc ông Dương Minh Tùng, Trưởng phòng Giám định BHXH tỉnh
Trước đó, ngày 5.10.2020, Thanh tra tỉnh Cà Mau có quyết định sửa đổi bổ sung KLTT số 03/KL-TT ngày 25.5.2020 sau khi có kiến nghị của Sở Y tế và BHXH tỉnh Cà Mau. Cụ thể, Thanh tra tỉnh kết luận phải thu hồi, nộp về ngân sách số tiền 2,651 tỉ đồng. Sau đó sửa đổi còn 2,083 tỉ đồng. Sửa đổi nội dung "Quỹ BHXH hàng năm thu không đủ chi, Ngân sách nhà nước phải bù để chi từ 2014 đến 2018 là 876,65 tỉ đồng. Nay sửa lại "BHXH Việt Nam phải bù" khoản này chứ không phải là ngân sách Nhà nước.
Đến ngày 25.11.2020, Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau vừa ký quyết định giải quyết khiếu nại và điều chỉnh kết luận thanh tra đối với ông Trần Quốc Việt, nguyên giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Cà Mau. Nội dung điều chỉnh từ có hình thức kỷ luật thành kiểm điểm rút kinh nghiệm và nhiều nội dung khác.
Trao đổi với PV Thanh Niên về việc kết luận thanh tra phải chỉnh sửa nhiều lần, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân nói "Đúng là có những cái chuyên môn anh em chưa được "bén" lắm. Trong kiểm điểm cuối năm sẽ lưu ý cái đó".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.