Cá ngựa khủng

06/03/2015 19:52 GMT+7

Ở Phú Yên có một địa phương mệnh danh là 'thủ phủ' cá ngựa. Đó là thị xã Sông Cầu, nơi có vịnh Xuân Đài được xếp là một trong 10 vịnh đẹp nhất thế giới.

Ở Phú Yên có một địa phương mệnh danh là “thủ phủ” cá ngựa. Đó là thị xã Sông Cầu, nơi có vịnh Xuân Đài được xếp là một trong 10 vịnh đẹp nhất thế giới.
Chị Loan với cặp cá ngựa “khủng” dài hơn 20 cm - Ảnh: Đức Huy
Lão ngư Nguyễn Văn Thân ở xã Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu) kể rằng, ngư dân ở đây khai thác cá ngựa ở vịnh Xuân Đài từ lâu lắm rồi, nhưng rộ lên và trở thành đặc sản nổi tiếng cả nước cách đây gần 3 thập niên. “Hồi đó, cá ngựa rẻ lắm nên ngư dân bắt để ăn. Khi ăn chúng vào thì người cảm thấy sung mãn và “chuyện ấy” cũng khá lắm. Bây giờ thì giá cá ngựa đắt lắm nên chỉ ngâm rượu để bồi bổ, chứ chẳng có để làm thức ăn như trước nữa”, lão ngư Thân nói.
Loại cá ngựa mà lão ngư Thân nói là loại cá ngựa ở vịnh Xuân Đài, trọng lượng nhỏ, cỡ chừng 100 con/kg. Trong khi đó, hiện nay ở thị xã Sông Cầu đang nổi lên loại cá ngựa “khủng” mà rất nhiều khách hàng ưa thích. Chị Nguyễn Thị Bích Loan, chủ đại lý cá ngựa rất nổi tiếng ở xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu giới thiệu tại đại lý của chị có cá ngựa thuộc loại “hàng độc” mà chẳng nơi nào trên cả nước có được. Cá ngựa loại này nặng gần 0,1 kg/con. “Loại cá ngựa “khủng” hiếm lắm, thuộc loại quý, không dễ đánh bắt nên lâu lâu ngư dân mới bắt được vài con. Người biết loại này rất mê nên họ đã đặt mua trước hết”, chị Loan giới thiệu.
Theo chị Loan, giá mỗi cặp cá ngựa “khủng” dao động từ 5-7 triệu đồng. Cá biệt có cặp trị giá hơn 10 triệu đồng. “Hàng loại này tiêu thụ rất mạnh, nhưng tui không có hàng để bán. Hàng này lúc có lúc không, rất vô chừng nên phải đặt trước mới có”, chị Loan nói vậy và vẫn giữ “bí mật” nguồn hàng, cũng như ngư trường mà ngư dân đánh bắt loại cá ngựa “khủng” này. Cá ngựa còn chế biến thành những món ăn đặc sản, nổi tiếng như chiên giòn, nấu cháo…
Chị Loan cũng giới thiệu qua cách thức ngâm cá ngựa “khủng” sao cho hoạt chất trong cá ngựa phát huy hiệu quả của nó: “Trước khi ngâm, cá ngựa phải làm sạch, rửa bằng rượu mạnh và để khô ráo. Muốn ngâm rượu cá ngựa phải kèm theo một số vị thuốc bắc, mật ong rừng và một số hải sản biển chuyên bổ dương”. Một cặp cá ngựa “khủng” có thể ngâm 10 lít rượu với thời gian ngâm 3 tháng thì mới có thể dùng được. “Nhiều người dùng thấy hiệu quả, đặc biệt bổ trợ cho các anh bị bệnh “súng sà” (ám chỉ yếu sinh lý-NV)”, chị Loan cười.
Rượu thuốc ngâm cá ngựa - Ảnh: Đức Huy
Lương y Phạm Văn Trung (Phú Yên) nhận định, công dụng của cá ngựa (còn gọi hải mã) chủ yếu dựa theo kinh nghiệm dân gian, được rút ra từ thực tế của các bệnh nhân đã từng dùng. Nhưng khi phân tích các hoạt chất có trong cá ngựa thì xác định, trong cá ngựa có chứa enzyme sinh tổng hợp prostaglandin, là chất đóng vai trò điều hòa thần kinh, hormone và hệ miễn dịch. Prostaglandin và tiền chất của nó có khả năng kích thích sự tiết hormone oxytocin và sự cường dương bằng cách tác động đến vùng điều khiển tình dục của tuyến yên trong não người. “Hàm lượng cao của docosahexaenoic acid (DHA) - vật liệu cơ bản để sản sinh tinh trùng được tìm thấy trong cá ngựa. Vì thế, cá ngựa có tác dụng tăng cường sinh lý ở nam giới. Cá ngựa vị ngọt, mặn, tính ấm, đi vào can thận”, lương y Trung, phân tích.
Theo lương y Trung, cá ngựa có tác dụng ôn thận tráng dương, điều khí hoạt huyết, tán kết tiêu viêm. Dùng cho các trường hợp liệt dương, di tinh di niệu, thần kinh suy nhược, đẻ khó, nam giới bất lực về sinh lý… Tuy nhiên ông cũng đưa ra cảnh báo: “Với những người âm hư hỏa vượng, cảm cúm, sốt, phụ nữ có thai, thì không nên dùng cá ngựa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.