Phát triển đô thị còn nhiều hạn chế
Tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023, TS Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), cho biết sau hơn 35 năm đổi mới, quá trình đô thị hóa và công tác quản lý phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả.
Cụ thể, tính đến tháng 10, cả nước có 902 đô thị. Trong đó, có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM; 22 đô thị loại 1; 36 đô thị loại 2; 45 đô thị loại 3; 94 đô thị loại 4; 703 đô thị loại 5. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng hơn 42,6% so với năm 1998.
Đồng thời, chất lượng đô thị được nâng cao theo hướng đồng bộ đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc có chất lượng. Phát triển đô thị đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo tại các đô thị lớn.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, quản lý phát triển đô thị còn nhiều hạn chế: các đô thị còn thiếu tính liên kết; kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị bị quá tải ở các đô thị lớn; hệ thống các công trình hạ tầng xã hội còn thiếu, thấp hơn so với quy chuẩn, tiêu chuẩn; không gian công cộng đô thị có chất lượng cải tạo thấp, chưa góp phần đáp ứng nhu cầu đời sống của cư dân; khai thác không gian ngầm, công trình ngầm còn rất hạn chế; năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới; các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh về phát triển đô thị còn rời rạc…
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận chất lượng đô thị chưa cao. Phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn; ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực; khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập…
Đô thị hóa là xu hướng tất yếu
Tuy nhiên, ông Nghị khẳng định, đô thị hóa là tất yếu. Dự báo trong tương lai, có đến 2/3 dân số thế giới sẽ ở đô thị và Việt Nam không nằm ngoài xu thế này. Hiện, dư địa phát triển đô thị bền vững ở nước ta còn rất lớn nên ngay từ bây giờ cần chuẩn bị tốt.
Về giải pháp phát triển đô thị, ông Nghị cho rằng, với chính quyền địa phương, cần quan tâm, phát huy chủ động, bố trí nguồn lực ngay tại chỗ, nhất là đẩy mạnh đầu tư công để cải thiện chất lượng đô thị song song với quá trình đô thị hóa.
Mỗi cán bộ thực hiện quản lý phát triển đô thị cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực. Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính mình trong sự nghiệp phát triển đô thị.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, cho rằng cần tiếp tục đổi mới tư duy thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững, coi đây là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Cần xác định khâu đột phá quan trọng nhất để xây dựng, phát triển đô thị bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Trong đó, trọng tâm là xây dựng luật để quản lý phát triển đô thị bền vững và luật điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền các đô thị.
Đồng thời, quá trình huy động nguồn lực phát triển đô thị, cần quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng đi trước, tạo ra nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng tính liên kết vùng…
Bình luận (0)