Cả nước cùng 'xúm' vào để Vùng đồng bằng sông Hồng thành vùng kinh tế trọng điểm

Cù Hiền
Cù Hiền
30/03/2023 19:58 GMT+7

Đó là quan điểm của TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ tại hội thảo "Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp" diễn ra sáng 30.3 tại Thái Bình.

Cụ thể, theo TS Trần Đình Thiên nhận định, sứ mệnh trong phát triển kinh tế vùng hiện nay chính là làm sao để cả nước cùng "xúm" vào để Vùng đồng bằng sông Hồng thành vùng kinh tế trọng điểm và đạt được mục tiêu đề ra. Bởi, tuy có vị trí quan trọng nhưng Vùng đồng bằng sông Hồng chưa có một điểm mạnh đúng nghĩa.

Liên kết vùng tạo động lực phát triển cho đồng bằng sông Hồng - Ảnh 1.

Hội thảo phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp.

CÙ HIỀN

Ông Thiên nói: "Quản trị vùng, cơ chế vùng thế này bao năm qua vẫn mơ hồ. Nếu không có những thay đổi cơ bản mang tính đột phá, tạo chính sách tốt thì sẽ rất khó để phát triển".

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng cũng như từng địa phương trong vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30 về phát triển vùng với định hướng trọng tâm là xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, thiết thực, hiệu quả tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng. Phát huy vai trò và khai thác hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, trung tâm kinh tế, hệ thống đô thị để tạo đột phá phát triển vùng; đảm bảo hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng và thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới cho vùng.

Liên kết vùng tạo động lực phát triển cho đồng bằng sông Hồng - Ảnh 2.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội thảo

CÙ HIỀN

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những năm qua một số địa phương trong Vùng đồng bằng Sông Hồng đã có sự phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước, điển hình là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên…

Tuy nhiên, khu vực vẫn còn tồn tại một số điểm yếu trong liên kết vùng như: Các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở các dự án hạ tầng do ngân sách từ Trung ương đầu tư. Không gian và địa bàn liên kết còn mang tính tự phát giữa một số địa phương; các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương còn chưa rõ nét. Đặc biệt các vấn đề, nội dung liên quan đến liên kết ngoại vùng hầu như chưa có.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền giám đốc Sở Công thương TP.Hà Nội, để kết nối có hiệu quả, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô của cả nước. Đồng thời tiếp tục chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách, những quy định bất cập trong thực tiễn triển khai thu hút đầu tư.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Bình Seed thì nói thẳng, muốn phát triển vùng, trước tiên ngay từ địa phương phải tập trung tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, có các chính sách phát triển doanh nghiệp. Cùng với đó, tạo hệ thống giao thông kết nối với Thái Bình để tiêu thụ hàng hóa và nông sản. Tăng cường kết nối ngành hàng của các địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.