Cá nược tưởng tuyệt chủng xuất hiện ở Bến Tre: Phải giao nộp cơ quan chức năng?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
17/05/2019 13:45 GMT+7

Liên quan đến tình huống pháp lý vụ cá nược tưởng tuyệt chủng xuất hiện ở Bến Tre, ngư dân có phải giao nộp cá nược cho cơ quan chức năng?

[VIDEO] Hành trình gian nan của con cá nược Minh Hải siêu quý hiếm ở Bến Tre
Liên quan đến vụ cá lạ 150 kg mà ngư dân bắt được trên sông Cổ Chiên (Bến Tre), như Thanh Niên đã đưa tin, Ths Vũ Long, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học và Loài nguy cấp (CBES), khẳng định đó chính là cá nược Minh Hải, loài tưởng đã tuyệt chủng trên sông Mekong ở Việt Nam.
Theo Ths Long, cá nược được bảo vệ trong Công ước CITES (công ước về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp - PV), không được phép mua bán, trao đổi dưới bất kỳ hình thức nào. Để hỗ trợ cho ngư dân, chúng tôi chỉ có thể bù một chút gọi là tiền xăng dầu, ngư cụ".
Trước đó, rạng sáng 15.5, một ngư dân Phan Văn Thái (49 tuổi, ngụ ấp Phụng Đức A, xã Phú Phụng, H.Chợ Lách) đã bắt được một con cá lạ, nặng 150 kg, trên sông Cổ Chiên, nghi là cá heo quý hiếm. 
Trong khuya 15.5, ông Long cùng đồng sự và cán bộ xã Phú Phụng đã cố gắng thuyết phục ngư dân bàn giao cá nược (đã chết), tuy nhiên ngư dân Thái vẫn khẳng định muốn bán cá nược với giá 40 triệu đồng.

Phải xác định cá nược có nằm trong danh mục bảo tồn không?

Liên quan đến vụ việc này, Ths Nguyễn Việt Khoa (Giảng viên Khoa Luật Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết đầu tiên phải xác định được cá nược này có nằm trong danh mục bảo tồn hay không, nếu cá nược nằm trong danh mục bảo tồn thì chắc chắn phải giao nộp cho nhà nước, nếu ngư dân không nộp sẽ bị xử phạt hành chính và nặng hơn có thể bị xử lý hình sự về hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm được quy định, hướng dẫn tại Điều 244 Bộ luật hình sự. Theo đó, người nào vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 15 năm.
Ths Khoa cho rằng nếu trong trường hợp cá nược nằm trong danh mục bảo tồn thì chính quyền chỉ hỗ trợ cho ngư dân một khoản tiền là đúng, không được phép mua bán, tuy nhiên ngư dân phải hợp tác với chính quyền còn ngư dân không hợp tác là ngư dân sai.
“Cơ quan chuyên môn cần xác định cá nược có nằm trong danh mục bảo tồn hay không mới biết được phương án xử lý. Nếu ngư dân đánh bắt cá họ không biết, không được thông báo đó là loài cá nằm trong danh mục bảo tồn thì ngư dân không sai; nhưng nếu ngư dân biết rõ đó là loài cá quý hiếm, được bảo vệ nhưng vẫn săn bắt thì ngư dân sai, phải xử lý”, Ths Khoa nhấn mạnh.

Muốn sở hữu thì phải mua

Một ý kiến khác của luật sư (LS) Huỳnh Công Thư (Phó chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Long An) cho rằng nếu cá nược là động vật quý hiếm thì phải có tên trong sách đỏ cấm săn bắt, không có tên thì không thể nói là quý và cần bảo tồn được. Vì vậy muốn sở hữu cá nược thì phải mua lại từ ngư dân, chứ người săn bắt trong tự nhiên có quyền xác lập quyền sở hữu theo quy định Khoản 6 điều 221 về xác lập quyền sở hữu của Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, khoản 6 quy định chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên.
Từ đó, LS Thư nhấn mạnh động vật vô chủ, vật dưới nước, ngư dân sau khi bắt được thì họ có quyền sở hữu, muốn lấy về nghiên cứu thì phải mua, không ai được dành kể cả nhà nước.

Cần giám định để xác định cá đó là cá gì?

Còn LS Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nêu ý kiến, mặc dù có ý kiến cho rằng đây là cá nược được bảo vệ trong Công ước CITES, tuy nhiên chưa lấy mẫu để giám định, chưa có kết quả giám định thì chưa thể xác định được đó là loài cá gì, có nằm trong danh sách Công ước CITES hay không? Vì vậy, cần có sự giám định để có kết luận rõ ràng.
Một số chuyên gia cho rằng loài cá nược này tưởng đã tuyệt chủng trên sông Mekong ở Việt Nam. LS Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích, theo quy định trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ, về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đó là: Suy giảm quần thể ít nhất 50% theo quan sát hoặc ước tính trong 10 năm gần nhất hoặc ba thế hệ cuối tính đến thời điểm đánh giá; hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 50% trong 10 năm hoặc ba thế hệ tiếp theo tính từ thời điểm đánh giá; Nơi cư trú hoặc phân bố ước tính dưới 500 km2 và quần thể bị chia cắt nghiêm trọng hoặc suy giảm liên tục về khu vực phân bố, nơi cư trú….Vì vậy, mặc dù chuyên gia nêu ý kiến loài cá nược này đang ở mức đe dọa bị tuyệt chủng, tuy nhiên cần có sự giám định của cơ quan chuyên môn mới xác định được cá nược có nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hay không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.