Ngoài những cuộc hội họp theo chuyên đề, trong hội trường giữa lãnh đạo địa phương và đại diện các doanh nghiệp, mô hình “Cà phê cùng doanh nhân” đang ngày càng khẳng định hiệu quả khi tạo ra không gian tương tác quản lý nhà nước - hoạt động doanh nghiệp một cách uyển chuyển và sáng tạo.
Đến nay cà phê doanh nhân đã được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp quận huyện ở nhiều nơi như Tuyên Quang, TP.Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang... Nơi thì tổ chức trong dịp cuối tuần với tần suất hằng tháng hoặc hằng tuần một lần; có nơi như Đồng Tháp thì hoạt động này diễn ra hằng ngày, từ sáng sớm trước giờ làm việc. Tham gia những buổi cà phê cùng doanh nhân là lãnh đạo UBND và các ban ngành địa phương cùng lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn. Không gian gặp gỡ được bố trí linh hoạt, thường là căn tin nhà khách hoặc cà phê sân vườn phù hợp.
Trong không khí cởi mở, chân thành, những nhà lãnh đạo, quản lý và các doanh nhân cùng giao lưu, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, tìm cơ hội hợp tác... Các doanh nghiệp có dịp bày tỏ những khó khăn trong quá trình kinh doanh - sản xuất, trình bày các kiến nghị hoặc hiến kế cụ thể. Lãnh đạo địa phương qua đó nắm bắt kịp tình hình và nguyện vọng doanh nhân; đề ra các giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn nhằm hỗ trợ, thúc đẩy quá trình làm ăn của doanh nghiệp.
Tại H.Nhà Bè (TP.HCM), từ giữa tháng 3 này, mô hình tương tự vào sáng thứ bảy hằng tuần cũng đã được thực hiện bởi CLB Hội Doanh nghiệp huyện, với sự tham dự thường xuyên của lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện cùng các phòng ban và lãnh đạo một số xã... Trong không gian xanh tươi, thoáng mát của khu sinh thái Tháp Ngà, những buổi cà phê doanh nhân diễn ra chân tình, ấm áp. Lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các doanh nhân, lãnh đạo địa phương đã chia sẻ, tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND H.Nhà Bè, người gợi mở ý tưởng cho sinh hoạt giao lưu gắn kết này tỏ ra tâm đắc khi tiếp cận các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm để kịp thời giải quyết.
Đi lên từ một huyện nông nghiệp, bắt nhịp nhanh với tiến trình đô thị hóa khu kinh tế trọng điểm nam Sài Gòn, Nhà Bè có hơn 2.000 doanh nghiệp và trong năm 2017 này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để có thêm 250 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Qua tiếp cận sát sườn với cộng đồng doanh nghiệp, huyện sẽ có những chính sách phù hợp để hỗ trợ, từ xây dựng hạ tầng đến thủ tục hành chính và cả chính sách thuế, ông Lưu cho biết.
Mới đây, cũng trong không gian cà phê doanh nhân này, lãnh đạo Sacombank đã cam kết việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp mới thành lập và hộ kinh doanh cá thể tại Nhà Bè. Hiệu ứng tương tác đa chiều qua đó càng rõ nét.
Trong tiến trình đổi mới từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ doanh nghiệp, cà phê cùng doanh nhân là một trong những mô hình thiết thực nhằm tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp. Khi có thêm nhiều cơ hội để doanh nhân đối thoại, phản hồi thông tin với các nhà hoạch định chính sách thì tình hình kinh doanh - sản xuất được tiếp cận kịp thời, thấu đáo. Điều gì giải quyết được thì lãnh đạo địa phương giải quyết ngay, nếu không thì ít nhất cũng có sự ghi nhận kịp thời để xem xét, xử lý. Thư giãn, giãi bày, thẳng thắn, cầu thị, gần gũi, gỡ rối... chính là những khái niệm gắn với một mô hình cần được nhân rộng hơn nữa để các cấp chính quyền đồng hành tích cực và tạo thêm điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, góp phần vào thành tựu chung của kinh tế đất nước.
Bình luận (0)